clock
Đang Tải...

50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử

50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

01-04-2025
Lượt xem: 64

HGTV Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, Bộ Chính trị đã họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước”, hạ quyết tâm lịch sử và nhất trí thông qua phương án giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị đề ra, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bắt đầu từ ngày 4/3/1975, bộ đội ta m chiến dịch Tây Nguyên và chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tiến công chủ đạo. Chiến dịch với bí danh 275 bước ngoặt lịch sử, quan trọng để làm chủ Nóc nhà Đông Dương, góp phần quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (Từ trái qua): Đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V, đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tập 1: GIÀNH QUYỀN CHỦ ĐỘNG Ở NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG

Tây Nguyên giữ vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, được ví như “xương sống”, “nóc nhà Đông Dương”. Người Mỹ đã xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ chiến lược lớn với mục đích đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc và từ vùng rừng núi xuống các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, Đông Nam bộ.

Như đồng chí Trường Chinh nhận định: “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”. Từ đây, quân ta có thể đưa quân sang Lào, Campuchia, ra miền bắc Việt Nam rồi đổ xuống một dải duyên hải miền Trung, hoặc tiến xuống vùng Nam Bộ. Chiếm được Tây Nguyên, quân ta có điều kiện đưa binh khí kỹ thuật lớn đánh chiếm vùng đồng bằng miền Trung, thực hiện đòn chia cắt chiến lược vô cùng quan trọng – “Mũi giáo chia cắt chiến lược quyết định”.

Tây Nguyên có địa hình rừng núi, nhiều đèo, nhiều dốc hiểm trở, kín đáo, làm hạn chế các trang bị hiện đại của địch. Địa hình này phát huy hiệu quả binh khí kỹ thuật lớn của ta. Hệ thống vận chuyển chiến lược 559 đã đi qua Tây Nguyên, bảo đảm hậu cần – kỹ thuật cho quân ta chiến đấu lâu dài.

Bộ đội hành quân trên Đường 19 (1975). Ảnh tư liệu: TTXVN

Sở chỉ huy Quân đoàn 2, Quân khu 2 quân đội Sài Gòn được đặt ở Pleiku. Dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia là các trại biệt kích. Dọc Đường 14 nối Tây Nguyên với Bình Phước là hệ thống các căn cứ quân sự dày đặc được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Trên các trục đường ngang, như đường 19, đường 21, địch tổ chức các tuyến phòng thủ mạnh để bảo đảm giao thông từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Toàn bộ lực lượng địch ở Tây Nguyên có Sư đoàn bộ binh 23, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn thiết giáp, 230 khẩu pháo, Sư đoàn 6 không quân với 150 máy bay các loại. Nhìn tổng thể, địch bố trí mạnh ở phía Bắc, còn khu vực phía Nam được xem như là hậu phương bố trí lực lượng mỏng hơn.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao trọng trách Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định hướng và khu vực tác chiến chủ yếu là Buôn Ma Thuột – Đức Lập; mục tiêu đánh mở đầu là Đức Lập, nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; mục tiêu chủ yếu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột.

Cách đánh cụ thể là tiến công nghi binh vào Pleiku và Kon Tum, cắt Đường 14, thu hút và giam chân phần lớn chủ lực địch ở bắc Tây Nguyên; cắt đứt hai trục Đường 19 và 21 để ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng dự bị của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và quân địch ở Tây Nguyên rút chạy; đánh chiếm Đức Lập, Thuần Mẫn – nay là Ea H’Leo nhằm cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Khi tiến công Buôn Ma Thuột, quân ta gặp khó khăn trong việc trinh sát, nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng. Mọi hoạt động chuẩn bị phải rất công phu và tuyệt đối bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh, thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác để loại bỏ khả năng địch tăng cường dự phòng. Kế hoạch tiến công Buôn Ma Thuột phải thật chủ động, sáng tạo, bảo đảm trong mọi tình huống đều phải chắc thắng.

Bộ đội thiết giáp, quân giải phóng thảo luận phương án tác chiến. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 4/3/1975, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Tây Nguyên, cắt đứt đường 19, làm chủ một đoạn đường dài 20 km nằm ở phía đông thị xã Pleiku.

Cùng lúc, một cánh quân thuộc Sư đoàn 3, Quân khu 5 tiến công địch ở nơi khác trên đường 19, đoạn từ An Khê đến Bình Khê. Ngay trong ngày mở đầu của chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra là chia cắt chiến lược các tập đoàn địch ở Tây Nguyên và đồng bằng.

Tiếp tục mục tiêu chia cắt tiếp tế của địch cho Tây Nguyên, ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 đánh địch ở đường số 21, Trung đoàn 9 đánh ở đường 14 đoạn qua huyện Ea H’leo.

Sau hai ngày 4 và 5/3, ta đã cắt đứt 3 tuyến đường bộ chủ yếu là đường số 14, 19 và 21 và nghi binh căng kéo địch có hiệu quả; chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng Trung Bộ, Nam và Bắc Tây Nguyên; bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Đối phó với các hoạt động của ta, đối phương tung Trung đoàn 53 và 1 tiểu đoàn bảo an tiếp tục lùng sục phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột để nắm tình hình. Chiều ngày 5/3 đoàn xe địch 15 chiếc từ Pleiku về Buôn Ma Thuột rơi vào trận địa phục kích của ta phải tháo chạy trở lại Pleiku. Cho đến thời điểm này, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và CIA vẫn khẳng định hướng tiến công chính của ta là Pleiku và KonTum.

6 giờ 15 phút ngày 7/3/1975, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 nổ súng tiến công Chư Sê. Sau 30 phút chiến đấu, ta đã làm chủ toàn bộ điểm cao, diệt 1 trung đội bảo an của địch. Đến đây, đường 14 bị cắt đứt hẳn, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt với Bắc Tây Nguyên.

Lúc này, địch mới phán đoán ta đánh Buôn Ma Thuột. Tướng Phạm Văn Phú cử Đại tá Vũ Thế Quang làm “Tư lệnh lãnh thổ Nam cao nguyên Trung phần”. Đại tá Quang ra lệnh báo động khẩn cấp ở Đức Lập và Buôn Ma Thuột, đồng thời, rút Trung đoàn 53 về thị xã để ứng phó.

Quận lỵ Đức Lập được xem như “cánh cửa thép” khống chế Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ và vùng biên giới Campuchia. Tại Đức Lập, địch đã xây 5 cứ điểm mạnh. Lực lượng tại đây có 2 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an cùng với các đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc Sư đoàn 23 được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại.

Đúng 6 giờ sáng ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 của ta nổ súng tiến công quận lỵ Thuần Mẫn và làm chủ hoàn toàn cứ điểm sau hơn 1 giờ tấn công, đoạn đường số 14 từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột bị cắt hoàn toàn. Địch chỉ có thể tăng cường cho Buôn Ma Thuột bằng đường không. Địch tập trung quân lực bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột và quận lỵ Đức Lập.

5 giờ 55 phút ngày 9-3-1975, pháo lớn của Sư đoàn 10 dồn dập nã vào căn cứ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ Núi Lửa và quận lỵ Đức Lập. Địch tổ chức phản kích, giằng co ác liệt. Phải đến 8 giờ 30 phút ngày 10/3/1975 ta mới làm chủ được quận lỵ Đức Lập.

Chiến thắng Đức Lập là trận thắng lớn đầu tiên của quân đội ta trong Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở thông đường hành lang chiến lược, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột.

Đặc công Tiểu đoàn 4 đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đúng 2 giờ sáng ngày 10/3, các Đại đội đặc công 1, 3, 18 thuộc Trung đoàn đặc công 198 đồng loạt nổ súng tiến công sân bay thị xã, mở màn trận Buôn Ma Thuột. Trận đánh diễn ra thuận lợi, đến 3 giờ 30 phút sáng cùng ngày, ta làm chủ phần lớn sân bay và đường Phan Châu Trinh, tạo thế cho bộ binh và xe tăng tiến vào Ngã Sáu – khu vực trung tâm thị xã. Cùng thời gian, Tiểu đoàn 5 của ta tiến công sân bay Hòa Bình và hậu cứ Trung đoàn 53 của địch ở phía đông nam sân bay.

Trước sức tiến công của Quân giải phóng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập phiên họp khẩn cấp với các tướng lĩnh chóp bu quân đội Sài Gòn. Tổng thống Thiệu lệnh cho tướng Phạm Văn Phú phải tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá và đưa ngay Sư đoàn 23 về cứu nguy Buôn Ma Thuột.

Tiếp đà thắng lợi, 6 giờ sáng ngày 11/3/1975, các đơn vị binh chủng hợp thành của ta từ ba hướng mở trận công kích vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đến 11 giờ cùng ngày, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của địch bị tiêu diệt. Đại tá Vũ Thế Quang và đại tá Nguyễn Trọng Luật, tiểu khu trưởng Đắk Lắk bị bắt sống. Chiến dịch Buôn Ma Thuột thắng lợi vẻ vang.

Chiều ngày 11/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi điện khen quân và dân Tây Nguyên đã nêu cao tinh thần quyết thắng, anh dũng và sáng tạo, táo bạo và khẩn trương giành thắng lợi to lớn ngay trong những ngày đầu Chiến dịch và chỉ thị: Nhanh chóng nắm lấy thời cơ thuận lợi, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu: TTXVN

Diễn biến Chiến dịch Tây Nguyên đã chứng minh quyết tâm chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu là rất chính xác – một đòn đánh hiểm nhằm vào chỗ sơ hở điểm yếu của địch. Việc giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã phá vỡ tuyến phòng thủ của quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Tây Nguyên. Quân địch rơi vào tình thế hoảng loạn và phạm sai lầm về chiến lược. Chớp thời cơ địch rút chạy, quân ta tổ chức truy kích, vừa mở rộng vùng giải phóng, vừa gây tổn thất nặng nề, khiến tinh thần binh lính địch càng hoảng loạn, suy sụp. Việc quân ta giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung khiến địch bị chia cắt, thế bố trí chiến lược bị đảo lộn, hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường miền Nam lung lay, thúc đẩy sự tan rã hàng loạt.

Với chiến thắng Tây Nguyên, lần đầu tiên trong 30 năm chiến tranh cách mạng, bằng một chiến dịch tiến công, quân ta đã buộc quân đoàn địch được trang bị hiện đại đã phải rút bỏ một địa bàn chiến lược. Quân đoàn 2 – Quân khu 2 của địch bị xóa sổ, năm tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn và Quảng Đức cùng ba tỉnh Nam Trung Bộ là: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa được giải phóng.

Sau khi giành thắng lợi ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và quyết định chuyển sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên thật sự là đòn đột phá chiến lược mở đầu cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 vĩ đại./.

Xem tập 2: Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng tại đây

TIN LIÊN QUAN

Cộng đồng

03-04-2025 - Lượt xem: 29

Hai trường hợp không bắt buộc sáp nhập tỉnh, xã

Tin tức Hậu Giang

03-04-2025 - Lượt xem: 32

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tin tức Hậu Giang

03-04-2025 - Lượt xem: 28

Điện chia buồn đồng chí Khamtay Siphandone từ trần

03-04-2025 - Lượt xem: 35

Nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Lào từ trần

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới