clock
Đang Tải...

Tin tức Hậu Giang

Bỏ bằng tốt nghiệp THCS, hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT

12-05-2025
Lượt xem: 197

HGTV – Bộ GD-ĐT đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng, bỏ quy định Bộ GD-ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, bổ sung đối tượng miễn học phí…

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của công luận, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng.

Thời gian lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 9/7.

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ bằng tốt nghiệp THCS, trao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng

Bỏ bằng tốt nghiệp THCS

Theo dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD-ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS.

Bộ GD-ĐT cho rằng điều này phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế.

Cụ thể, nhiều quốc gia phát triển (như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Theo Bộ GD-ĐT, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

Bỏ khái niệm trường trung cấp

Dự thảo bỏ khái niệm trường trung cấp, chuyển thành trung học nghề và bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình trung học phổ thông.

Theo đó, trong chương trình trung học nghề học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Hết lớp 9, học sinh có 3 lựa chọn: vào trung học phổ thông, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề.

Theo Bộ GD-ĐT, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau trung học cơ sở, tạo cơ hội học liên thông… đồng thời phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO.

Hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT

Dự thảo luật chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng nhà trường. Theo ban soạn thảo, điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền.

Dự thảo luật cũng phân cấp quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS cho chủ tịch UBND cấp xã khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trường THPT hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc quản lý của sở GD-ĐT (trừ những trường thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Xây dựng cơ sở văn bằng, chứng chỉ số

Dự thảo luật nêu Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của ngành giáo dục đồng bộ, tương thích, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số (trong đó sẽ quy định cụ thể việc xử lý, sử dụng dữ liệu số, lộ trình thực hiện sao cho phù hợp, khả thi, an toàn…).

Cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương

Dự thảo luật tách riêng quy định về tài liệu giáo dục địa phương thành khoản riêng, không nằm trong khoản quy định về sách giáo khoa nhằm xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa.

Thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng giao giám đốc sở GD-ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, giao hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương thay vì Bộ GD-ĐT phê duyệt như hiện nay.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc tài liệu giáo dục địa phương được hiểu là sách giáo khoa dẫn đến việc Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phê duyệt, định giá tối đa không phù hợp với thực tiễn, không hợp lý.

Bổ sung đối tượng miễn học phí

Cập nhật chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, dự thảo luật bổ sung quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong trường công lập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Trường tư được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Dự thảo luật quy định: “Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu; mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”.

Theo Bộ GD-ĐT, điều này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trường ngoài công lập theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Đây cũng đề nghị của một số địa phương.

Theo báo Thanh niên

TIN LIÊN QUAN

Tin tức Hậu Giang

22-05-2025 - Lượt xem: 957

Cán bộ ở Hậu Giang muốn được làm việc tại chỗ 3 năm đầu sáp nhập tỉnh

Tin tức Hậu Giang

22-05-2025 - Lượt xem: 12

Hậu Giang cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông nghiêm trọng mùa mưa

Tin tức Hậu Giang

21-05-2025 - Lượt xem: 59

Đề xuất 5 bảng lương, 9 phụ cấp mới theo vị trí việc làm

Ứng phó hạn mặn

21-05-2025 - Lượt xem: 77

Mặn xâm nhập ở ĐBSCL giảm dần trong những ngày cuối tháng năm

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới