03-02-2025 - Lượt xem: 3
Quê tôi Miền Tây
HGTV- Những sợi tơ mềm mại và trắng ngà được tách từ lá khóm, thứ thường bị bỏ đi hoặc đốt sau mùa thu hoạch, nay lại trở thành nguyên liệu cho chỉ nha khoa. Được tạo ra từ bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của hai học sinh trường THPT Chuyên Vị Thanh, sản phẩm này thân thiện với môi trường và đầy tiềm năng ứng dụng trong đời sống.
Tơ khóm làm nên chỉ nha khoa của học sinh trường THPT Chuyên Vị Thanh
Chứng kiến hàng tấn lá khóm bị đốt bỏ sau mỗi mùa thu hoạch, Thanh Vy và Mỹ Yến học sinh trường THPT Chuyên Vị Thanh luôn trăn trở trước lãng phí và ô nhiễm môi trường. Quyết tâm tìm giải pháp, hai em phát hiện sợi tơ khóm – với độ bền chắc, kháng khuẩn, và khả năng phân hủy sinh học – có tiềm năng thay thế chỉ nha khoa truyền thống làm từ nylon và nhựa, mở ra hướng đi mới đầy sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, sản phẩm chỉ nha khoa từ tơ khóm đã ra đời, sở hữu những ưu điểm vượt trội: chịu lực lên đến 250g trong 48 giờ, độ nhám hiệu quả trong việc làm sạch mảng bám, và khả năng kháng khuẩn tự nhiên giúp bảo vệ khoang miệng. Đặc biệt, với giá thành chỉ khoảng 500 đồng mỗi mét, sản phẩm rất thân thiện với môi trường, mở ra cơ hội thay thế các loại chỉ nha khoa truyền thống, góp phần xây dựng thói quen sống xanh bền vững.
Chỉ nha khoa bằng tơ khóm
Em NGUYỄN THỊ THANH VY – Trường THPT Chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Để tạo ra 1 cuộn chỉ nha khoa em sẽ xài từ 5 đến 6 lá là sẽ tương đương với tối thiểu là 15 mét chỉ nha khoa, làm thì cũng không tốn nhiều thời gian, chỉ tốn thời gian trong quá trình ngâm se sợi, xoắn sợi, để tạo ra 1 cuộn nếu em và 1 bạn khác cùng làm 1 cuộn chỉ tốn tầm 2 tiếng.”
Để đạt được thành quả này, Thanh Vy và Lư Mỹ Yến đã vượt qua không ít thử thách. Ban đầu, sợi tơ thường xuyên rời rạc, thiếu độ bền và trở nên quá khô sau khi khử khuẩn. Quá trình tách tơ từ lá khóm cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, khiến hai bạn không ngừng nỗ lực cải tiến từng bước để hoàn thiện sản phẩm.
Em LƯ MỸ YẾN – Trường THPT Chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thông tin: “Trong lá khóm có những sợi xenlulo bản của nó hông có xanh nhưng do dính nước diệp lục nên mới bị xanh, chúng em thấy baking soda là môi trường kiềm giúp tách cho ra sợi xenlulozo trắng hơn dễ tách hơn. Lần đầu se là thấy sợi còn khô, những sợi tơ chưa hoàn toàn dính vô chắc từ đó chúng em nghĩ tới keratin có kết dính, ngâm sợ tơ vào garetin cho ra sợi tơ kết dính hơn dễ se sợi hơn.”
Mỹ Yến (trái ) và Thanh Vy (phải) cùng cô giáo đang thực hiện tách lấy tơ khóm
Từ những chiếc lá khóm tưởng chừng bỏ đi, hai em học sinh đã biến ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thực tế, mở ra tiềm năng mới trong việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp. Dự án xuất sắc giành giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2024.