clock
Đang Tải...

Du lịch

Chuyện người Vị Thủy chung thủy cùng dây trầu…

21-04-2025
Lượt xem: 111

HGTV – Mỗi sáng sớm, khi làn sương vẫn còn đọng trên tán lá, những bước chân lại rảo đều bên những giàn trầu xanh rợp bóng ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nơi ấy, người dân vẫn ngày ngày chăm chút từng dây trầu như cách họ gìn giữ một phần ký ức và văn hóa của cha ông. Trong từng ốp trầu xanh bóng là công sức, là hy vọng và là nhịp sống bình dị nhưng vững bền của một làng nghề miệt vườn.

vườn trầu Vị ThủyCách trung tâm thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang khoảng 10 km là đến ấp 5 xã Vị Thủy huyện Vị Thủy.

Lịch sử bén rễ từ đời sống

Từ những năm 1960, vài hộ dân tại Vị Thủy bắt đầu trồng trầu, chủ yếu để phục vụ lễ cưới hỏi, thờ cúng trong gia đình. Theo lời kể của bà Năm Bỉnh ở ấp 5 là người đầu tiên đem giống trầu về trồng, rồi dần dà truyền lại cho xóm giềng.

Khi cây trầu chứng minh được sức sống và mang lại nguồn thu nhập ổn định, người dân trong vùng bắt đầu mở rộng diện tích. Đến thập niên 1990, trầu trở thành một phần không thể thiếu trong kinh tế nông hộ. Đặc biệt, ở Vị Thủy, diện tích không được đo bằng héc ta, mà tính theo nọc (cách gọi quen thuộc của bà con dành cho từng dây trầu leo lên giàn tràm). Có nhà vài trăm nọc, có hộ lên đến hàng ngàn. Trung bình, 2.000 nọc tương đương 10 công ruộng.

Hiện nay, xã Vị Thủy có khoảng 32,5 héc ta trầu, tập trung chủ yếu ở ấp 5, ấp 7 và ấp 8, với gần 200 hộ dân theo nghề. Cây trầu đã trở thành loại cây trồng chủ lực, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, tạo dựng nét riêng cho vùng đất này.

Một nghề – một nếp sống

Trồng trầu đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn. Cây trầu là loài dây leo, phải dựa vào giàn, thường là cây tràm để phát triển. Trầu không ưa phân hóa học, mà hợp với phân hữu cơ, nước sạch và ánh nắng vừa đủ. Sau khoảng 3–4 tháng, trầu bắt đầu cho thu hoạch, cứ 10 ngày hái một lần.

Người dân thường thu hoạch vào sáng sớm, khi lá còn giữ được độ tươi và hương thơm đặc trưng. Mỗi lần hái, người làm vườn lựa từng lá bóng, vàng nhẹ, không rách hay dập, sau đó xếp thành từng ốp khoảng 40 lá. Những ốp trầu này tiếp tục được gộp thành chục, trăm rồi thiên, trước khi giao cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp miền Tây và cả TP.HCM.

Không gian làng trầu trở nên sống động vào mỗi đợt hái, khi cả nhà cùng nhau sắp xếp, đếm lá… Nghề tuy vất vả nhưng ai nấy đều gắn bó như một phần cuộc sống quen thuộc.

phong-vien-Thu-Thao_HGTVÔng Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu vàng trả lời phỏng vấn trên sóng Truyền hình Hậu Giang

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trầu vàng, người đã có hơn 30 năm gắn bó với trầu, chia sẻ: “Nghề trồng trầu không dễ, nhưng ai đã bén duyên thì gắn bó cả đời. Mỗi lá trầu là một phần công sức của người làm vườn – từ lúc chọn hom, trồng dây, dựng giàn, tưới nước, bón phân cho đến khi hái từng lá bóng mượt. Trầu sống khỏe nhưng không chịu cẩu thả. Nó cần người hiểu, người thương, thì mới cho ra những liễn trầu đẹp, có giá trị.”

Năm 2020, làng trầu Vị Thủy được tỉnh Hậu Giang công nhận là làng nghề truyền thống, với hơn 204.800 nọc trầu và 145 hộ dân duy trì nghề. Hợp tác xã Trầu vàng ra đời với mục đích tổ chức sản xuất, kết nối thị trường và giữ gìn chất lượng sản phẩm trầu Vị Thủy.

vườn trầu Vị ThủyNọc trầu thường cao khoảng 2m, được làm bằng cây tràm, khoảng 10 ngày thu hoạch 1 lần.

Không dừng lại ở hình ảnh lễ vật truyền thống, trầu nơi đây đang được nghiên cứu để chiết xuất tinh dầu ứng dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm. Việc phát triển theo hướng này mở ra triển vọng mới, giúp người dân tăng thêm giá trị sản phẩm, giữ vững thương hiệu làng nghề.

Bên cạnh HTX, chính quyền địa phương cũng xúc tiến xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại làng trầu, đưa du khách đến trải nghiệm hái trầu, nghe kể chuyện nghề và tìm hiểu văn hóa trầu cau trong đời sống người Việt. Làng trầu Vị Thủy trở thành một phần di sản sống giữa lòng vùng đất Hậu Giang.

Lá trầu và hành trình đổi thay

Dây trầu tuy nhỏ bé, nhưng đã âm thầm mang lại những đổi thay đáng kể. Nhiều hộ dân nơi đây từng gặp khó khăn, sau khi gắn bó với trầu đã vươn lên có của ăn của để, xây nhà mới, nuôi con cái học hành thành đạt. Trung bình 1.000m² đất trồng trầu cho thu nhập hàng năm từ 80–100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây lúa.

vườn trầu Vị ThủyMuốn có được một ốp trầu (40 lá), người trồng phải trải qua nhiều công đoạn: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước, hái trầu rồi xếp lại thành ốp gọi là liễn trầu tức xếp những lá trầu thành chục (chục có khi 10, có khi 16 hoặc 20 lá…), sau đó xếp thành trăm rồi thành thiên trước khi giao cho thương lái”.

Không chỉ vậy, trầu còn giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Mỗi hecta trầu cần từ 3–5 người chăm sóc thường xuyên, chưa kể đến những dịp thu hoạch cao điểm. Nghề trầu đã góp phần giữ người lao động ở lại quê hương, hạn chế tình trạng ly nông ly hương ở vùng nông thôn.

Vững vàng trong thử thách

Bên cạnh những mặt tích cực, nghề trồng trầu cũng gặp phải không ít trở ngại. Giá cả trầu có lúc bấp bênh theo mùa, việc vận chuyển đi xa gặp khó khăn do trầu dễ hỏng nếu không bảo quản tốt. Ngoài ra, thiếu lao động trẻ kế nghiệp và áp lực cạnh tranh cũng khiến một số hộ dân đắn đo với việc duy trì nghề.

Tuy vậy, bà con nơi đây vẫn giữ một niềm tin bền bỉ vào cây trầu. Với họ, nghề trầu không chỉ là nguồn sống mà còn là đạo lý, là thứ gắn bó máu thịt với quê hương. Nhiều người xem đó là duyên, là nghiệp, là mối gắn kết chẳng thể rời.“Trầu như người bạn thủy chung, sống với mình từ tờ mờ sáng đến lúc trời tối. Làm nghề này cực nhưng vui, vì mình thấy được công sức đơm hoa kết trái mỗi ngày.”

Ông Nguyễn Văn Đời Chủ nhiệm CLB trầu vàng cũng nói thêm về nỗi trăn trở khi nghề đang dần thiếu vắng lớp trẻ: “Giới trẻ giờ ít ai chọn nghề này vì cực và đòi hỏi kiên nhẫn. Nhưng nếu biết cách tổ chức lại sản xuất, kết nối đầu ra tốt và làm thương hiệu bài bản, thì cây trầu vẫn là cây làm giàu bền vững. Ở làng trầu Vị Thủy, trầu không chỉ là nghề mà là cái nết sống – cần mẫn, lặng lẽ nhưng đủ đầy.”

Chính vì vậy, ông Đời cùng các hộ dân và HTX đang từng bước đưa cây trầu vào mô hình sản xuất xanh – sạch, mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước xây dựng nhận diện cho sản phẩm “Trầu Vị Thủy”. Với ông, giữ nghề không chỉ là giữ miếng cơm manh áo, mà là giữ cả một di sản tinh thần của quê hương.

Giấc mơ xanh từ một chiếc lá

Những giàn trầu xanh óng ánh dưới nắng ban mai  mang lại thu nhập và còn là biểu tượng cho một lối sống bền vững, nơi con người thuận theo tự nhiên, gắn bó với đất và trân quý giá trị truyền thống. Lá trầu ở Vị Thủy không dừng lại là sản phẩm nông nghiệp, mà còn mang trong mình chiều sâu văn hóa, chứa đựng ký ức và phong tục của người miền Tây.

vườn trầu Vị ThủyKhông gian xanh mát vườn trầu Vị Thủy

Không gian làng trầu, với những giàn trầu xanh mướt, những mái nhà ẩn mình sau tán tràm và nhịp sống bình dị của người dân quê, được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa.

Thạc sĩ Phan Đình Huê, Chuyên gia Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong một lần khảo sát thực tế tại làng trầu, nhận định: “Làng trầu Vị Thủy là một vùng đất còn nguyên vẹn chất quê. Nếu được khai thác tốt, nơi đây có thể trở thành điểm đến độc đáo của du lịch nông nghiệp miền Tây. Du khách không chỉ đến để ngắm trầu, mà sẽ được chạm vào đời sống, nghe kể chuyện nghề, tìm hiểu phong tục cưới hỏi và thậm chí tự tay hái trầu, bó liễn. Đây là mô hình có thể kết nối hiệu quả giữa sản phẩm nông nghiệp – văn hóa truyền thống – và trải nghiệm du lịch thực tế.”

Ông Huê cũng nhấn mạnh vai trò của việc liên kết vùng, xây dựng tour liên hoàn giữa làng trầu và các điểm đến khác tại Hậu Giang, từ đó tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản địa phương và góp phần giữ chân du khách.

Chặng đường phía trước của làng trầu Vị Thủy vẫn còn nhiều việc cần làm: cải tiến kỹ thuật trồng, chuẩn hóa bao bì sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao nhận diện thương hiệu. Nhưng với nền tảng vững chắc từ tình yêu đất, yêu nghề, cùng sự vào cuộc của các Hợp tác xã và định hướng du lịch nông nghiệp rõ ràng, làng trầu nơi đây đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên bản đồ nông nghiệp, du lịch xanh của Hậu Giang.

Thực hiện: Thu Thảo

TIN LIÊN QUAN

Du lịch

24-04-2025 - Lượt xem: 115

"Phượng Hoàng" chả cá thát lát

Du lịch

22-04-2025 - Lượt xem: 343

Kỳ 01: 4 điểm đến hấp dẫn khiến bạn "phải lòng" Hậu Giang ngay lập tức…

Du lịch

22-04-2025 - Lượt xem: 294

“Khói rơm, vị cá”… chuyện quê Hậu Giang

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới