18-11-2024 - Lượt xem: 44
OCOP hội nhập và phát triển
HGTV – Hằng năm, ĐBSCL sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 24 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên chỉ có 1/3 được khai thác làm thức ăn gia súc hoặc trồng nấm.
Cơ giới hóa sản xuất từ phân bón từ rơm
Thay vì đốt như cách làm phổ biến của nông dân trồng lúa hiện nay, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI thử nghiệm nhiều giải pháp, giúp nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.
Công nghệ mới được nhóm nghiên cứu IRRI thực hiện và triển khai ở 4 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi 1ha lúa sau thu hoạch để lại 12 tấn phụ phẩm. Sau khi rời đồng ruộng, rơm được ủ mục trộn với men vi sinh. Máy đảo trộn có chức năng xử lý rơm thành phân bón hữu cơ, bón lại cho đồng ruộng và cây trồng.
Hiện nhóm nghiên cứu IRRI công bố 2 sản phẩm phân hữu cơ chế biến từ rơm là viên nén phân bón thông minh NPK 22-10-10+TE, tan chậm chuyên dùng cho phong lan trưởng thành và phân rơm dùng cho giá thể.
Các chuyên gia cho rằng, giá trị sản xuất trên đồng ruộng chỉ chiếm khoảng 13%, còn hơn 80% nằm ở các khâu khác. Từ kết quả này cho thấy, khai thác phụ phẩm từ rơm rạ đúng cách sẽ phát triển nông nghiệp đa giá trị.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và phân bón hữu cơ sản xuất từ rơm
Qua khảo sát thị trường tại Việt Nam và thế giới, nhóm nghiên cứu IRRI nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng.
Tái sử dụng rơm rạ đang là xu hướng được các nhà khoa học khuyến khích nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng. Bởi nông nghiệp tuần hoàn tạo lợi ích cho chính người trồng lúa, bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.