24-04-2025 - Lượt xem: 115
Du lịch
HGTV – Đến với Hậu Giang, du khách sẽ say lòng trước vẻ đẹp trù phú của miền quê sông nước và vương vấn mãi hương vị ngọt ngào của trái khóm Cầu Đúc. Vươn lên từ vùng đất phèn mặn, cây khóm trở thành biểu tượng cho sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây, nuôi dưỡng bao thế hệ và kiến tạo một nền ẩm thực độc đáo với gần trăm món ăn dân dã mà tinh tế, đặc biệt là củ hủ khóm – một món quà quý của người Hậu Giang.
Chuyện kể về giống khóm từ xứ lạ
Cây khóm có tên khoa học Ananas comosus, mang trong mình một câu chuyện dài về sự giao thoa văn hóa. Nguồn gốc từ Nam Mỹ, khóm du nhập vào Việt Nam qua thương cảng Hội An cổ xưa và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Vào thập niên 1930, người dân xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh nhận thấy giống khóm này sinh trưởng tốt nên bắt đầu nhân giống và trồng dọc theo hai bên bờ sông Cái Lớn.
Rẫy khóm Cầu Đúc nhìn trên cao
Ngày ấy, ở Hỏa Tiến có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông – nơi bà con thường tụ họp bán khóm. Thương lái từ khắp nơi đến đây thu mua và từ đó, cái tên “Khóm Cầu Đúc” ra đời, gắn liền với vùng đất này, như một minh chứng cho tình yêu và sự phát triển bền vững của cây khóm nơi đây.
Gần một thế kỷ qua, trên mảnh đất khô cằn, thừa phèn, thiếu ngọt, cây khóm Cầu Đức vẫn nở hoa, kết trái, mang lại những mùa bội thu và trở thành “bầu sữa” nuôi dưỡng bao thế hệ con người. Từ vài rẫy khóm ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha. Trái khóm quê chắt chiu vị ngọt dịu, thoảng chút chua thanh nhờ sự kết hợp của chất đất phù sa với chất mặn và chất phèn mà ít nơi nào có được. Lớp vỏ xù xì, nhiều mắt của trái khóm cũng là “thử thách” khéo tay của các bà, các mẹ trong nhà.
Củ hủ khóm đặc sản hiếm có, tinh túy trên vùng đất phèn
Cách thành phố Vị Thanh khoảng 10km, ven Quốc lộ 61, về hướng tỉnh Kiên Giang, đến xã Tân Tiến, rẽ vào hơn 5km là đến vùng khóm Cầu Đúc nức danh. Nét riêng của khóm Cầu Đúc là trái có hình thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, thịt vàng đậm, ít xơ, nước và ăn giòn, ngọt, có thể để 10-15 ngày mà không bị hư. Khóm có quanh năm, nhưng mùa nhiều nhất là vào tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Mùa khô là mùa khóm nghịch vụ, ăn ngọt, đậm đà hơn những thời điểm khác trong năm.
Bằng sự tinh tế người dân nơi đây chế biến ra gần 100 món ăn từ khóm, vào năm 2022 Hậu Giang xác lập kỷ lục Việt Nam với sự kiện trình diễn và chế biến các món ăn từ khóm nhiều nhất… Những món quà quê dân dã ấy níu chân bao khách phương xa, làm xao xuyến những người con xa xứ.
Vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, hình ảnh người dân xã Hỏa Tiến phá rẫy khóm trở nên quen thuộc
Thường thì, trái khóm từ khi trồng cho đến khi ra hoa, cho trái mất khoảng 12 đến 14 tháng. Cây khóm có tuổi thọ khá cao, có bụi lên đến 10 năm, lấy củ hủ nghĩa là phải bỏ đi cả bụi khóm. Do vậy củ hủ khóm chỉ được lấy từ những bụi khóm của những vườn khóm chuẩn bị phá bỏ. Củ hủ khóm là phần đọt non của thân cây. Để lấy được phần tinh túy này, bà con phải nhổ cả cây đang còn tươi tốt lấy phần lõi. Chính vì sự hiếm hoi và khó tìm, nên dù ở vùng đất khóm, nhiều gia đình cũng chỉ có dịp thưởng thức củ hủ khóm vài lần trong năm. Những món ăn ngon từ củ hủ khóm thường được dùng riêng để tiếp đãi khách quý đến thăm nhà.
Bà Khưu Thu Nguyệt, hơn 30 năm gắn bó với cây khóm, cho biết sau nhiều mùa thu hoạch, cây khóm bị lão hóa, không còn cho năng suất cao, nên bà con phải phá đi trồng khóm mới. Từ những bụi khóm bỏ đi, người dân tận dụng các bụi khóm nhỏ hoặc những chồi nách không còn khả năng nhân giống lấy phần non bên trong.
Bí quyết giữ trọn vị ngon của củ hủ khóm
Để có củ hủ khóm ngon phải lắm công phu. Khóm sau khi thu hoạch người dân nhổ cây, bỏ lá, rễ rồi đem xoay thành củ hủ, rửa sạch, cho ra rổ, bào hoặc sắc mỏng, ngâm nước muối và luộc sơ trước khi chế biến. Nghe có vẻ đơn giản đơn nhưng từng công đoạn phải đúng cách. Nếu luộc thiếu lửa hoặc quá lửa, củ hủ khóm sẽ đắng, mất đi độ giòn tự nhiên. Để giữ được màu trắng đẹp mắt và vị thơm đặc trưng, củ hủ sau khi bào phải được ngâm ngay vào nước đá. Chính sự tỉ mỉ ấy đã làm nên hương vị đặc biệt của củ hủ khóm.
Ngày trước, củ hủ khóm thường xào đơn giản trong bữa cơm gia đình. Nhưng qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, củ hủ khóm trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món ăn đặc sắc. Những món như dưa chua củ hủ khóm, củ hủ khóm hầm giò heo, củ hủ khóm xào tép, bánh xèo củ hủ khóm, gỏi củ hủ khóm đã ra đời…
Thơm ngon bánh xèo củ hủ khóm
Món ăn quý đãi khách phương xa nên trong cách làm cũng phải lắm cầu kỳ. Món bánh xèo củ hủ khóm mang một hương vị rất riêng, vừa dân dã vừa độc đáo, làm say lòng bất kỳ thực khách nào. Củ hủ khóm sau khi làm sạch sẽ thái lát mỏng. Tém bạc phải chọn loại thịt săn chắc được bắt từ những con rạch, ao mương quanh vùng. Bột bánh xèo pha với nước cốt dừa và chút bột nghệ tạo nên màu vàng óng ả, cùng các loại rau sống như cải xanh, xà lách rau thơm và chuối chát thái lát mỏng, tạo nên sự tươi mát khi thưởng thức và tất cả đều là rau sạch, có sẵn trong vườn nhà. Bánh xèo củ hủ khóm với tém bạc đòi hỏi sự khéo léo trong từng bước làm, trước tiên là xào nhân, củ hủ khóm được xào sơ với tém bạc, nêm chút gia vị dậy mùi thơm và giữ được độ giòn ngọt tự nhiên.
Khi đổ bánh… chảo bắc trên bếp củi, phết chút dầu giúp bánh không dính. Khi dầu nóng, đổ lớp bột mỏng phủ đều mặt chảo, rồi nhanh tay cho nhân củ hủ và tép bạc lên trên. Lửa phải đều, không quá to giúp bánh chín từ từ, giòn rụm mà không bị cháy. Nhìn bánh chín vàng ươm, rìa bánh giòn tan… thật là thơm ngon.
Giò heo hầm củ hủ khóm món ngon đậm nghĩa, đậm tình
Gian bếp quê rộn vang tiếng cười, hết chị Ba rồi đến chị Bảy thay phiên nhau trổ tài nấu nướng, ai cũng muốn góp phần tạo nên mâm cơm thật ngon. Giò heo hầm củ hủ khóm được coi là món tủ mà bất cứ người phụ nữ nào ở xứ khóm cũng rành làm. Chị bảy chia sẻ bí quyết là phải chọn loại giò heo tươi ngon, thịt săn chắc, da mềm đảm bảo khi hầm lên sẽ vừa mềm vừa thơm. Nước dùng hầm từ xương phải trong vòng hơn một tiếng có độ ngọt tự nhiên. Khi giò heo mềm, cho củ hủ khóm vào, vừa chín tới là nhắc xuống giữ độ giòn và không làm củ hủ khóm bị nhũn.
Các món ăn chế biến từ củ hủ khóm
Nhìn những món ăn lòng không khỏi xuyến xao, như thể tấm lòng của các bà, các chị ở vùng đất Hỏa Tiến gửi trọn vẹn vào hương vị món ăn. Khách đến nhà trước lạ còn sau là người thân, có gì ngon là đem ra chiu đãi, sự hào sản của cha ông từ bao đời nay đã thấm sâu vào cốt cách, truyền qua từng thế hệ trên mảnh đất này.
Món bánh xèo củ hủ khóm nhân tém bạc ngon nhất khi ăn nóng. Gắp một miếng bánh, cuộn cùng rau sống, chấm vào chén nước mắm chua ngọt pha chút tỏi, ớt. Vị giòn tan của bánh, ngọt thanh của củ hủ khóm, béo bùi của tép bạc và sự tươi mát của rau sống hòa quyện tạo hương vị tuyệt vời…
Món củ hủ khóm hầm giò heo mang đến hương vị thanh mát, ngọt nhẹ, ăn một khoanh giò heo mềm mại, ôi ngon làm sao… Mỗi khi đi làm rẫy hay làm đồng về, thưởng thức món ăn này với chén cơm trắng là một niềm vui giản dị, mà không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được sự thỏa mãn.
“Vàng” từ đất phèn đến đặc sản OCOP
Vươn lên từ vùng đất phèn mặn, cây khóm giúp bao người dân đất Hỏa Tiến có cuộc sống sung túc, ấm no hơn. Những năm gần đây, người dân ở ấp Thạnh Thắng xóa trắng hộ nghèo, từ những ruộng khóm Hậu Giang đến những gian bếp nhỏ, củ hủ khóm chinh phục khẩu vị của bất kỳ ai từng nếm thử. Dân dã, thôn quê nhưng lại trở thành đặc sản, hiện tại có 5 sản phẩm OCOP từ khóm Cầu Đúc như: Dưa củ hủ khóm, rượu khóm, mứt khóm, kẹo khóm, nước màu khóm… trở thành sản phẩm hàng hóa đi khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long, đưa hương vị quê nhà đến với người tiêu dùng gần xa, tự hào là sản phẩm OCOP của vùng đất Hậu Giang.
Thời gian tới, bà con tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc với 11 thành viên tham gia, khởi đầu với nhiều dự định nâng tầm giá trị khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Nếu cây dừa giúp người dân Bến Tre vượt qua gian khó, thì cây khóm chính là người bạn đồng hành của nông dân Hậu Giang qua bao thăng trầm, chắp cánh cho người trồng khóm vươn lên, tạo dựng một tương lai tươi sáng.
Bên dòng sông Cái Lớn, những rẫy khóm bạt ngàn vẫn vươn mình xanh tươi, như một minh chứng sống động cho tình yêu thương và sự cần cù của người dân Hậu Giang. Thời gian trôi qua, khóm vẫn bền bỉ tồn tại, như hơi thở của đất, như lời ru ngọt ngào của quê hương.
Dù cuộc sống có đôi lúc vội vã, nhưng khóm vẫn âm thầm đồng hành cùng người dân nơi đây, lặng lẽ tỏa sáng, mang đến sự ấm áp và sẻ chia. Mỗi món ăn từ khóm là một lời mời gọi trở về, là niềm tự hào về một vùng đất đã trải qua bao thăng trầm, vẫn mãi xanh tươi và bền chặt như tình người và tình đất.
Thực hiện: Thu Thảo
Mời xem thêm