18-12-2024 - Lượt xem: 29
Cải cách hành chính - chuyển đổi số
HGTV – Hậu Giang hiện có hơn 28 nghìn tài khoản bán hàng, 110 sản phẩm OCOP và hơn 1900 nông sản có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng gần 500 sản phẩm so cùng kỳ năm 2022. Thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang không gian mạng giúp tiêu thụ nông sản Hậu Giang hiệu quả hơn.
Trợ lực đưa nông sản Hậu Giang lên các sàn thương mại điện tử Sở Công thương Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Sở Công thương phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hướng dẫn doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso, Postmart, sen đỏ… quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả. Tính trong năm 2022, tổng giá trị đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử hơn 1,9 tỷ đồng.
Công nhân Cơ sở sản xuất Trà Mãng Cầu Phụng Phát ở huyện Long Mỹ đang đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng.
Cơ sở sản xuất Trà Mãng Cầu Phụng Phát ở huyện Long Mỹ, mỗi tháng có hơn 50 đơn hàng bán qua Sàn thương mại điện tử. Chị Lê Kim Phụng Em – Chủ cơ sở sản xuất Trà Mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đánh giá cao hiệu quả từ những buổi tập huấn bán hàng qua mạng, giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ, đầu ra ổn định hơn. “Hiện nay sản phẩm cơ sở có mặt trên website, shopee và sendo, voso, postmart… Khách hàng đặt mua với số lượng ngày càng nhiều, em bắt đầu nhập thêm thiết bị máy móc để mình hỗ trợ cho việc sản xuất của mình.” Chị Phụng Em cho biết thêm.
Bên cạnh đa dạng cách thức tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng OCOP chất lượng Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại đặc biệt đẩy mạnh phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến . Theo hình thức trực tiếp tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm và kết nối trực tuyến cung – cầu, giao thương giữa các tỉnh, thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng sản phẩm OCOP sữa dê Ngọc Đào tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022.
Tính từ đầu năm đến nay, với vai trò cầu nối đơn vị hỗ trợ 11 doanh nghiệp ký kết 41 hợp đồng, tiêu thụ sản phẩm hơn 7000 tấn, tăng 20% so cùng kỳ.
Doanh nghiệp Hậu Giang tham gia ký kết tiêu thụ nông sản tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Bến Tre vào tháng 03 vừa qua.
Tại sự kiện, Hậu Giang có 12 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và HTX tham gia ký kết cung ứng nguồn nông sản vào hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn và hướng đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp Tỉnh đánh giá cao cơ hội phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh như cá thát lát, lúa, mít, chanh không hạt và lươn tại chương trình giao thương.
Hình ảnh doanh nghiệp Hậu Giang ký kết vào tháng 5 vừa qua tại chương trình Kiên Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm ở Phú Quốc.
Hậu Giang có 6 doanh nghiệp tham gia ký kết với đảo ngọc, cung ứng sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sân bay, khu, điểm du lịch… Với các mặt hàng: rượu lão tửu, bún tươi, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, gạo sạch… tại chương trình Kiên Giang – Kết nối tiêu thụ sản phẩm ở Phú Quốc.
Chị Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, tạo cầu nối từ hoạt động xúc tiến thương mại của Tỉnh. Chị chia sẻ: ” Bản thân doanh nghiệp cũng đã ký được nhiều họp đồng tiêu thụ sản phẩm vào các hệ thống siêu thị ở Tp. Hồ Chí Minh, thông qua hoạt động xúc tiến tạo điều kiện cho các thành viên trong HTX liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, cung ứng sản phẩm làm ra đi nhiều nơi. Từ đây, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.”
Ông Trương Cảnh Tuyên – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá cao các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các sản phẩm OCOP tại các kỳ hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Ông thông chia sẻ: “ Hệ thống hàng nông sản của Hậu Giang bước đầu vào hệ thống siêu thị các nhà bản lẻ Tp. Hồ Chí Minh và cả nước. Các mặt hàng nông sản Hậu Giang cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường lớn, hướng tới sẽ hướng đến hoạt động xuất khẩu và các sàn thương mại điện tử nước ngoài.”
Bằng nhiều cách làm linh hoạt trong xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP Hậu Giang có mặt trên toàn quốc, điển hình là hơn 30 hệ thống siêu thị bán lẻ như: BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opMart… ký kết hợp đồng tiêu thụ số lượng lớn.
Các sản phẩm OCOP Hậu Giang trưng bày tại siêu thị.
Tổng sản lượng bình quân các sản phẩm OCOP năm 2022 tăng 10,7% so với năm 2021. Cá thát lát tăng 21,2%, trà mãng cầu tăng 126,5%, gạo tăng 3,3%, rượu các loại tăng 23,8%. Mứt khóm, dưa chua, củ hủ khóm tăng 533%.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại là giải pháp tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả, tạo ra cơ hội, thị trường mới, nâng cao uy tín và độ nhận diện sản phẩm. Từ đây, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Đồng hành, nâng tầm nông sản chủ lực Hậu Giang, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục có nhiều cách làm thiết thực, đưa các mặt hàng nông sản đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phát triển bền vững.
Mời quý khán giả đón xem trong chương trình Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP – Hội nhập và phát triển, phát sóng 16h15, ngày 23/6/2023 trên sóng Truyền hình Hậu Giang.