07-05-2025 - Lượt xem: 1
Cộng đồng
HGTV – Bán đảo Cà Mau là tỉnh duy nhất miền Tây không được bổ sung nguồn nước ngọt từ dòng sông Mekong. Với đặc thù này nên nơi đây không có mùa nước nổi. Tuy nhiên, sau vụ lúa hè thu thì lượng nước mưa nhiều, đồng ruộng cũng ngập mênh mông là nước. Đây cũng là thời gian bắt cá trên ruộng hoạt động mạnh nhất trong năm. Nghề đẩy xuồng nơm cá hay còn gọi là đẩy côn đem lại thu nhập khá cho nông dân trong lúc nông nhàn.
6 giờ sáng, những người làm nghề đẩy xuồng nơm cá bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Đây là cách kiếm cá đơn giản, ít tốn chi phí và bảo vệ môi trường.
Độc đáo mùa đẩy côn
Dụng cụ để làm nghề này cũng khá đơn giản: chỉ cần 1 chiếc xuồng, hai thanh tre dài gắn các thanh sắt vào. Khi xuồng được đẩy trên mặt ruộng, cá đụng các thanh sắt và trốn xuống sình thì người đẩy dùng nơm để bắt cá.
Dụng cụ làm nghề đẩy cá trên ruộng
Dùng nơm để bắt cá
Anh Dương Văn Đen – Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (Đốn cây rồi khoan cây rồi làm …đẩy vầy nè cho con cá nó chạy đụng cây cái nó chúi xuống cái mình thấy mình nôm…)
Trước và trong mùa lúa anh Đặng Chí Công có máy trục, máy xới để làm đất. Khi đất xong xuôi thì anh lại bắt đầu chuyển sang đẩy xuồng kiếm cá. Công việc này giúp anh có thêm nguồn thu nhập và cũng là niềm vui trên đồng.
Đẩy côn thường bắt được cá to nên phương thức này không tận diệt thủy sản.
Mỗi người chịu khó đi từ sớm đến gần trưa cũng kiếm được vài ký cá, có khi trúng mánh thì được cả chục ký. Cá lóc bán ra thị trường từ 70 đến 90 ngàn đồng mỗi ký, giúp người dân có thêm thu nhập từ 300 đến 600 ngàn đồng cho một lần đẩy xuồng như thế.