23-04-2025 - Lượt xem: 167
Tin tức Hậu Giang
HGTV – UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập đồ án Quy hoạch huyện Long Mỹ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển là vùng kinh tế phía nam của tỉnh.
Thị trấn Vĩnh Viễn nhìn từ trên cao
Theo Quyết định này, huyện Long Mỹ có diện tích tự nhiên là 26.072,37ha, được định hướng là vùng kinh tế phía Nam của tỉnh Hậu Giang; Trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; Đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh Hậu Giang kết nối các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (CT.01) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35) trong tương lai; Trung tâm phát triển công nghiệp gần vùng đô thị Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn trong tương lai khi các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (CT.01) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35) hình thành và đưa vào sử dụng.
Theo định hướng quy hoạch, xây dựng vùng huyện Long Mỹ phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng. Khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật – xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống hạ tầng khung và không gian phát triển các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, đô thị – thương mại dịch vụ, du lịch…), hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao điều kiện sống của người dân.
Khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng. Tích hợp định hướng các quy hoạch ngành gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện, quy hoạch giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi…
Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới. Làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng phát triển kinh tế – xã hội.
UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội, dân số và lao động; đất đai; hiện trạng phát triển cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, vùng sản xuất nông lâm nghiệp, công trình công cộng, dịch vụ thương mại, cơ sở y tế, giáo dục… Những tác động của mối liên hệ vùng đến thực trạng phát triển kinh tế – xã hội – hạ tầng kỹ thuật đối với toàn huyện Long Mỹ.
Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng bao gồm: Cao độ nền và thoát nước mưa; công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai; hiện trạng về mạng lưới giao thông, công trình và các loại hình giao thông…; Nguồn cấp nước, công trình đầu mối, mạng lưới cấp nước, chất lượng, khả năng cung cấp… Nguồn cung cấp điện, vị trí trạm biến áp, khả năng cung cấp, chất lượng mạng lưới cấp điện…
Đánh giá các ưu điểm, các vấn đề tồn tại liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
Rà soát các dự án, chương trình đang triển khai về tính hiệu quả và sự phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra khi triển khai trên địa bàn huyện. Thu thập các tài liệu, số liệu, các dự án có liên quan và đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, hiện trạng về kinh tế – xã hội; dân cư; quỹ đất xây dựng; tình hình xây dựng của khu vực cũng như những tác động phát triển kinh tế – xã hội – hạ tầng kỹ thuật của vùng phụ cận để từ đó đưa ra phương án tổ chức không gian cho huyện Long Mỹ hợp lý.
Định hướng phát triển không gian vùng được xác định vị trí, quy mô và phương hướng tổ chức khu vực: Khu chức năng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành. Hệ thống các đô thị trong vùng phải đảm bảo có khả năng phát triển, mở rộng, thỏa mãn các yêu cầu về môi trường, an toàn cho định cư.
Phát triển hệ thống đô thị: Phát triển hệ thống đô thị gồm thị trấn Vĩnh Viễn, đô thị Xà Phiên, đô thị Lương Nghĩa. Phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới. Phát triển hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp yêu cầu phát triển nông thôn mới, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tiết kiệm đất đai.
Hệ thống điểm dân cư nông thôn trong vùng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, ngành nghề sản xuất, hình thái định cư theo đặc trưng từng vùng miền và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Hệ thống hạ tầng xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo mọi người dân trong vùng đều được sử dụng thuận lợi và dễ dàng tiếp cận.
Các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải được quy hoạch dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; tiết kiệm quỹ đất, ưu tiên sử dụng đất hoang hóa, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm đến các vùng lân cận./.