08-01-2025 - Lượt xem: 31
Thời sự
HGTV – Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, nông dân cải tạo đất, xuống giống vụ Hè thu. Theo thói quen, nhiều người đốt đồng để xử lý rơm, rạ. Thời tiết hanh khô, nắng nóng, đốt đồng xảy ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đốt đồng không chỉ làm giảm độ màu mỡ của đất, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Những cánh đồng… “lửa”
Những cánh đồng rực lửa trên tuyến Quốc lộ 61C.
Những ngày này trên tuyến Quốc lộ 61C, đoạn từ 13.000 đến cầu 8.000 huyện Vị Thủy và Châu Thành A, dài hơn 15 cây số, khói mịt mù do người dân đốt rơm rạ để làm sạch đồng ruộng, cải tạo đất chuẩn bị cho vụ mùa kế tiếp. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy đồng trên diện rộng, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Những vụ cháy đồng thường rất khó chữa vì lửa sẽ lan theo khắp mọi hướng và cháy rất nhanh khi gặp gió mạnh. Một cánh đồng vài trăm héc-ta có thể bị thiêu trụi trong vài giờ. Đặc biệt, khi xảy ra cháy đồng, các phương tiện cứu hỏa chuyên dụng gần như không thể ứng cứu do điều kiện giao thông cách trở và khó khăn về nguồn nước.
Những cây hoàng yến xanh tốt nay tàn, úa do ảnh hưởng từ đốt đồng
Những cây dầu cũng chịu cảnh tương tự
Theo ghi nhận vào sáng ngày 26/03 trên Quốc lộ 61C, có hơn 100 cây hoàng yến bị cháy sém; Tỉnh lộ 931 đoạn ấp 6 và ấp 7 xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có gần 50 cây dầu 2 bên đường bị cháy và héo khô, khả năng phục hồi thấp.
Hoàng yến là loại cây cho hoa màu vàng đẹp mắt, bên cạnh tạo ấn tượng cho người dân và du khách khi đi qua đây, sắc vàng của hoa còn giúp ích cho sản xuất nông nghiệp khi được trồng ven ruộng, dẫn dụ nhiều thiên địch. Việc đốt đồng thiếu kiểm soát đã làm lửa cháy lan, lớp thực bì và các cây hoa hoàng yến (nằm cạnh lề lộ) bị cháy sém, thậm chí một số cây bị lửa táp, dẫn đến chết.
Nên hay không việc “đốt đồng”
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân không nên đốt đồng. Quá trình chuyển hóa chất hữu cơ thành vô cơ của đốt đồng sẽ lấy đi một lượng nước lớn trong đất làm cho đất bị khô. Nếu đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm chai đất, đất sẽ nhanh chóng bị bạc màu, thoái hóa, lãng phí nguồn phân hữu cơ.
Rơm rạ đốt ồ ạt, gây khói mù mịt, ảnh hưởng trầm trọng đến việc lưu thông trên tuyến quốc lộ 61C
Đốt đồng không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người đốt (dễ bị ngộ độc do lửa cháy tạo ra CO2, SO2, CH4; hoặc dễ bị ngất vì thiếu oxy), mà còn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chì vì khói đốt đồng làm hạn chế tầm nhìn.
Việc làm này còn thải khói bụi vào không khí, gây hại cho sức khỏe con người vì ô nhiễm. Trong khói đốt đồng có những hạt bụi nhỏ cỡ PM2.5, loại bụi này rất nguy hiểm vì nó vô cùng nhỏ, khẩu trang không chuyên sẽ không ngăn chặn được, vì vậy có thể xâm nhập thẳng vào phổi, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các nghiên cứu, khi đốt khoảng 7 tấn rơm, trung bình sẽ phát thải: hơn 9 tấn CO2, gần 800kg khí CO, gần 400kg các chất hữu cơ độc hại, 12kg tro bụi.
Giải pháp xử lý rơm, rạ
Thay vì đốt rơm rạ, nông dân có thể bán cho những người thu mua rơm, rạ để kiếm thêm thu nhập hoặc dùng để làm nấm rơm. Sau khi thu hoạch nấm thì lấy rơm bón lại ruộng vì lúc này rơm đã hoai mục, trở thành phân hữu cơ. Nông dân cũng có thể dùng làm thức ăn cho gia súc, rồi lấy nguồn phân chuồng bón lại cho đồng ruộng.
Độn rơm vào thức ăn cho gia súc giúp giảm chi phí thức ăn, phân bón vật nuôi (bò) có thể bón cho cây trồng hoặc bán
Biện pháp tối ưu nhất hiện nay là dùng chế phẩm sinh học (Trico hoặc vôi bột) xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời làm tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất. Nông dân cũng có thể cày vùi rơm vào đất như lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau.
Ngoài ra, rơm rạ trong công nghiệp còn có thể dùng làm ethanol, giấy, làm khẩu trang,…
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng lúa toàn tỉnh khoảng 200 ngàn hecta, lượng rơm tạo ra 1 năm hơn 1 triệu tấn. Do đó, cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp nông dân giảm chi đầu tư, tăng thu nhập, giảm gánh nặng cho môi trường, cụ thể hóa mục tiêu nền nông nghiệp bền vững của tỉnh.