28-03-2025 - Lượt xem: 539
Du lịch
HGTV – UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hậu Giang sẽ đầu tư 32 tỷ 610 triệu đồng để tỉnh trở thành điểm đến mới về du lịch cộng đồng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nằm bên dòng sông Hậu, Hậu Giang là vùng đất phong phú nổi tiếng với kênh xáng Xà No – dòng sông huyền thoại của con đường lúa gạo miền Tây, khóm Cầu Đúc ngon nức tiếng hay làng trầu lâu đời ở Vị Thủy, lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và những vườn quýt đường Long Trị. Những tài nguyên này là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hậu Giang.
Kênh xáng Xà No – con sông thơ mộng của xứ ngàn
Dựa vào tài nguyên và lợi thế, Hậu Giang chia ra làm 4 cụm để phát triển du lịch cộng đồng: Cụm du lịch thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy; Cụm du lịch thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ; Cụm du lịch huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; Cụm du lịch huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.
Để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, Hậu Giang mời gọi đầu tư vào các dịch vụ vận chuyển nội vùng (ghe xuồng tham quan), lưu trú (homestay), ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm và phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống.
Hậu Giang nổi tiếng đặc sản khóm Cầu Đúc
Cụm du lịch cộng đồng Thành phố Vị Thanh, lấy điểm nhấn là các món ngon từ khóm Cầu Đúc kết hợp với khai thác sản phẩm tàu du lịch đến các di tích lịch sử.
Cụm du lịch cộng đồng Châu Thành A lấy trọng tâm là homestay Mương Đình kết nối với các điểm tham quan khác như trang trại nuôi dê Ngọc Đào, nuôi ba ba Thạnh Lợi và các nhà vườn khác; kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm.
Homestay Mương Đình ở huyện Châu Thành A nhìn từ trên cao
Cụm du lịch cộng đồng Châu Thành lấy làng bè Hai Khanh và các hộ dân có vườn cây ăn trái như mít, chanh không hạt, bưởi để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp.
Cụm du lịch cộng đồng làng nghề trồng trầu Vị Thủy kêu gọi đầu tư các dịch vụ vận chuyển nội vùng, lưu trú, ẩm thực,… bổ sung thêm điểm tham quan Hợp tác xã nuôi ba ba, ẩm thực ba ba theo dạng thực dưỡng y học cổ truyền.
Làng trầu Vị Thủy xanh mướt, hấp dẫn du khách
Cụm du lịch cộng đồng làng nghề đan Cần xé, thành phố Ngã Bảy kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ làm quà lưu niệm, trải nghiệm đan Cần xé. Lấy làng nghề đan Cần xé và Chợ nổi Ngã Bảy làm trung tâm kết nối với các nhà vườn, phát triển thành cụm du lịch trải nghiệm sông nước, văn hóa bản địa.
Cụm du lịch cộng đồng huyện Phụng Hiệp lấy điểm nhấn là Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng kết hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang. Rà soát các hộ dân làm nghề bó chổi, vót đũa,… tại xã Tân Long, xã Thạnh Hòa có nhu cầu làm du lịch để hỗ trợ hướng dẫn đưa nơi này thành điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển làng nghề của huyện.
Cụm du lịch cộng đồng trồng và chế biến mãng cầu xiêm huyện Long Mỹ với sản phẩm là uống trà mãng cầu, ăn mứt mãng cầu, sinh tố mãng cầu; có thể tạo ra các hoạt động trải nghiệm: Học làm mứt, làm trà hay tạo cách sinh hoạt văn hóa dưới các tán cây mãng cầu.
Cụm du lịch cộng đồng quýt đường xã Long Trị (thị xã Long Mỹ): Sản phẩm du lịch có thể xác định trên ẩm thực với sự sáng tạo của người dân: Bánh xèo ngũ sắc, chè bưởi,… lấy khu vực Long Trị làm trọng tâm để xây dựng mô hình du lịch giúp người dân có động lực khôi phục lại cây quýt truyền thống.
Đến năm 2025, Hậu Giang sẽ tập trung vào phát triển ba mô hình thí điểm và hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng hiện có. Đến 2030, mục tiêu là mở rộng và hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng khác, kết hợp với du lịch văn hóa, nông nghiệp và ẩm thực, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ, thu hút du khách. Hậu Giang hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch mới, mang đến trải nghiệm đậm chất Nam bộ và tôn vinh văn hóa cộng đồng địa phương./.