23-04-2025 - Lượt xem: 167
An ninh trật tự
HGTV – Bỏ ra hàng trăm triệu đồng với mong muốn mua được nền tái định cư giá rẻ, thế nhưng rất nhiều nạn nhân đang rơi vào cảnh tiền mất mà đất cũng không có vì trót tin lời của những đối tượng lừa đảo. Một số vụ án xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã cho thấy rõ chiêu trò lừa đảo này.
Nguyễn Thanh Hòa, cựu cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang (áo trắng) cùng đồng phạm tại tòa.
Nguyễn Thanh Hòa, cựu cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, chi nhánh huyện Phụng Hiệp cùng 8 đồng phạm lừa bán nền tái định cư cho 29 bị hại với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Hòa biết thông tin các hộ dân cũng là các đồng phạm chỉ được cấp một nền tái định cư do bị ảnh hưởng công trình đường dây điện 500KV Nhiệt điện Long Phú – Ô Môn nhưng Hòa đã móc nối với các hộ này để bán nền tái định cư cho nhiều người khác nhau. Ngoài ra, Hòa còn tự lập khống các hợp đồng thể hiện mua được nền tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, sau đó tiếp tục bán lại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang tuyên phạt Nguyễn Thanh Hòa 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Hai trường hợp cũng rơi vào “bẫy lừa” tương tự
Được cò đất môi giới, cả hai bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua đất nền tái định cư giá rẻ. Đáng nói, người đứng sau vụ mua bán lại là cán bộ đương chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, tất cả giấy tờ đều được chính quyền địa phương xác thực. Thế nhưng, không lâu sau đó, họ mới phát hiện đất nền mình mua là “ảo”.
Một nạn nhân bị lừa đảo cho biết: “Qua môi giới nhà đất, có giới thiệu một người làm bên Ban Quản lý Dự án Khu Công nghiệp tỉnh Hậu Giang là có những cái suất tái định cư khu dân cư Đông Phú. Thì cũng tin tưởng, bởi người này cũng nằm trong Ban Quán lý Dự án. Với một phần hồ sơ trong những cái hộ dân được cấp nền tái định cư, có công chứng của của Ủy ban thị trấn. Cho nên mới tin tưởng.”
Qua điều tra, đã xác định Huỳnh Ngọc Dũ, cựu Phó chánh văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang là người đứng sau vụ việc. Theo đó, năm 2019, khi Dũ còn đương chức, nghe thông tin toàn bộ ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành nằm trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp. Y đã gặp những hộ sống tại đây nhờ đứng tên nhà giùm mình để được bồi thường và bố trí tái định cư khi bị thu hồi đất, mỗi trường hợp được trả 10 triệu đồng.
Người dân phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và ký tên vào bộ hồ sơ, chưa ghi phần nội dung như giấy ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất, đơn xin nhận tiền tái định cư, biên bản giao đất ngoài thực địa, biên nhận. Sau đó, Dũ sử dụng các bộ hồ sơ này để gạ bán các suất tái định cư cho nhiều người để chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỷ đồng. Đến năm 2020, y xin nghỉ hưu trước tuổi. Do không nhận được đất nền tái định cư, những người mua đã trình báo cơ quan chức năng.
Thực hiện lệnh khám xét nơi ở Huỳnh Ngọc Dũ
Cùng với Dũ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang cũng ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Trần Thanh Phong, nguyên chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành và Nguyễn Văn Đức, nguyên phó chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm vì có nhiều sai phạm trong chứng thực giấy ủy quyền tạo điều kiện để Dũ thực hiện hành vi phạm tội.
Khu đất tái định cư ảo được các đối tượng rao bán
Chính sách cấp nền tái định cư với mục đích giúp người dân có chỗ an cư khi họ bị thu hồi đất. Thế nhưng, nhiều đối tượng đã lợi dụng ý nghĩa nhân văn đó để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Không chỉ lừa bán đất nền tái định cư “ảo”, kẻ gian có thể bán một mảnh đất cho nhiều người, hay dùng sổ đỏ giả để giao dịch. Nếu không cảnh giác, kiểm tra kỹ lưỡng, bất cứ ai cũng có thể “sập bẫy”.
Trước chiêu trò lừa bán tái định cư, Luật sư Trần Độ – Trưởng văn phòng Luật sư Trần Độ, Tp.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn người dân cảnh giác. Luật sư cho biết: ” Hiện nay, có một số hộ dân có kinh tế thấp thì họ tìm đến những phần đất có giá trị thấp để chuyển nhượng. Đánh vào tâm lý này, một số người môi giới đất đai, có thể gọi là cò đất họ sẽ giới thiệu những sản phẩm gọi là suất tái định cư để người dân nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi người dân nhận chuyển nhượng với sản phẩm này họ không xem được cái tính pháp lý và giá trị pháp lý của quy định này. Họ dễ dàng, sẽ trở thành bị hại và nạn nhân trong những vụ án lừa đảo mà đối tượng sẽ thực hiện thông qua những quyết định tái định cư hoặc là làm giả tái định cư. Vậy nên, khi nhận sử dụng quyền sử dụng đất, đặc biệt, những tài sản có giá trị thấp, người dân cần xem xét cái tính pháp lý quyền sử dụng đất. Người bán có quyền cấp sử dụng đất hay chưa, thời hạn sử dụng đất. Khi giao dịch, thì họ nên đến những Văn phòng công chứng có uy tín để nơi đây xem xét giá trị pháp lý và chứng thực, công chứng, chuyển nhượng, từ đó sẽ hạn chế những thiệt hại.”
Thực hiện: Thế Phong