12-11-2024 - Lượt xem: 100
Tin tức Hậu Giang
HGTV – Dự báo năm nay, diện tích vùng nguy cơ mặn xâm nhập, ảnh hưởng hạn tại tỉnh Hậu Giang ước tính là khoảng 50.000 – 60.000ha. Tỉnh đầu tư các công trình, đê bao khép kín nhưng hiện tượng El Nino làm cho hạn mặn diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, nhiều giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiệt hại được triển khai.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt đang chăm sóc cho 10 công hạnh và mít
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, ông Nguyễn Tuấn Kiệt ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nạo vét mương trữ nước phục vụ cho gần 10 công hạnh và mít. Ông còn trồng cỏ để giữ ẩm cho cây và lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Sự đầu tư này đảm bảo nước tưới cho khu vườn trong vòng 3 tháng nếu hệ thống cống ngăn mặn đóng.
Ông Kiệt cho biết hệ thống này rất tiết kiệm, độ ẩm giữ rất lâu, lượng nước thì ít hao so với tưới truyền thống. Do vậy thích hợp cho người nông dân trong giai đoạn hạn mặn sắp tới.
Từ mùng 3 Tết đến nay, nồng độ mặn xâm nhập cao nhất là 7,1‰ nên ngành chức năng cho đóng một số cống tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Khi nồng độ mặn giảm sẽ mở cống để người dân lấy nước phục vụ sản xuất.
Cống ngăn mặn giúp hạn chế tình trạng mặn xâm nhập và giữ nước để người dân tưới tiêu
Đầu năm đến nay, tỉnh dành hơn 2 tỷ 700 triệu đồng sửa chữa hệ thống cống trên tuyến đê bao Long Mỹ – Vị Thanh giai đoạn 1, cống Ba Voi, Cống Bà Bét và thổi bùn tuyến đê bao Ô Môn – Xà No.
Anh Huỳnh Minh Điền – Tổ trưởng quản lý hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh cho biết: “So với trước đây thì cống tròn được sửa chữa cải tiến lại, thuận tiện cho anh em công nhân quản lý cống và vận hành được dễ dàng, nhanh hơn xưa. Trước đây mình xài ván ngăn nước nó không đảm bảo, tốn thời gian vận chuyển. Bây giờ, cống được sửa chữa và cải tiến lại. Cơ bản đảm bảo tốc độ đóng cống và ngăn nước mặn xâm nhập”.
Anh Huỳnh Minh Điền và ông Phạm Văn Diện đi kiểm tra các hệ thống cống ngăn mặn
Ông Phạm Văn Diện ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, năm nay dự báo hạn mặn sẽ xâm nhập sâu, nhiều. Người dân chúng tôi chủ động đào mương sâu, trữ nước ngọt. Hệ thống ngăn mặn được quản lý rất chặt chẽ, cán bộ kiểm tra trước khi nước mặn xâm nhập. Mặn sắp tới nhưng chúng tôi an tâm cống này sẽ giữ được nước ngọt.
Sự chủ động của ngành nông nghiệp, người dân góp phần đảm bảo cho sản xuất, giảm thiệt hại. Đi qua nhiều mùa hạn mặn, người dân Hậu Giang có thêm kinh nghiệm xây dựng các giải pháp linh hoạt để sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Mặn xâm nhập ở ĐBSCL đang có xu hướng tăng theo kỳ triều cường và cao hơn trung bình nhiều năm, hiện mức độ rủi ro ở cấp độ 2 trên 4. Hậu Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng từ triều biển Tây và biển Đông nên tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp. Nông dân trong tỉnh sắp thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Vì vậy sự chủ động ứng phó của ngành chức năng và người dân sẽ giúp bảo vệ mùa màn./.