16-12-2024 - Lượt xem: 16
HGTV – Sáng nay (17/6), lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Hậu Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 được tổ chức với hình thức kết nối trực tuyến 4 điểm cầu An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Tại điểm cầu An Giang có sự tham dự của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại điểm cầu Hậu Giang có ông Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tiền – Phó tư lệnh Quân khu 9; Ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang; Ông Trần Văn Huyến – Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang; Ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Điểm cầu tỉnh Hậu Giang ở tại khu dân cư vượt lũ Tân Hòa, huyện Châu Thành A
Dự án cao tốc Châu Đốc – Hậu Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia có tổng mức đầu tư gần 44,7 nghìn tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Dự án cao tốc dài hơn 188 km, điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, An Giang, điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề, Sóc Trăng.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc 100km/h (giai đoạn 1).
Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Đối với Hậu Giang, việc khởi công dự án thành phần 3 được xác định để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, mở ra kỳ vọng to lớn, đánh dấu bước ngoặc lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Từ đó, tạo động lực rất lớn cho Hậu Giang phát triển theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”.
Ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Đây là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên giao Tỉnh làm cơ quan chủ quản, cho nên trong tổ chức thực hiện cũng gặp những khó khăn, lo lắng. Nhưng với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao với công việc, không ngại khó, Tỉnh đã nỗ lực để thực hiện hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng. Đến nay đã hoàn thành tất cả các thủ tục và đủ điều kiện khởi công dự án theo quy định; đặc biệt là đã thu hồi đất đạt 84,6%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công”.
Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm ĐBSCL qua 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển ĐBSCL, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Với tầm quan trọng của dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân 04 tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; phối hợp với các địa phương hướng dẫn quy trình triển khai dự án nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại điểm cầu An Giang
Thủ tướng đề nghị, tỉnh An Giang chủ động bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án. UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.
Dự án được đầu tư cũng sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.