03-04-2025 - Lượt xem: 5
Tin tức Hậu Giang
HGTV – Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học trái đất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, dù không nằm trong vành đai lửa là những khu vực có thể xảy ra động đất mạnh nhưng một số khu vực của Việt Nam vẫn có thể xảy ra động đất ở cấp độ trung bình.
Vành đai lửa Thái Bình Dương
Vành đai lửa là khu vực có những ngọn núi lửa mạnh nhất hoạt động và thường xuyên xảy ra động đất. Vành đai lửa chạy dọc theo Thái Bình Dương nên còn có tên gọi khác là vành đai lửa Thái Bình Dương. Nó có hình dạng giống như hình móng ngựa và có chiều dài rơi vào khoảng 40.000km.
Vành đai lửa là tập hợp của các rãnh đại dương, quần đảo, dãy núi lửa. Theo chiều kim đồng hồ có thể điểm qua các quốc gia nằm trong vành đai này như sau: New Zealand, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Bán đảo Kamchatka thuộc Nga, Quần đảo Aleut – bang Alaska – bang California thuộc Mỹ, Mexico, Guatemala, Colombia, Ecuador và Peru.
Việt Nam không nằm trong vành đai lửa
TS. Nguyễn Xuân Anh- Giám đốc trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất: Việt Nam là quốc gia may mắn, chúng ta nằm trong nội mạc, không nằm trong vành đai lửa, không nằm ở những mảng kiến tạo mà có hoạt động địa chấn mãnh liệt như vậy. Động đất mạnh nhất mà chúng ta chờ đợi là khu vực Tây bắc là cỡ 6,7 – 6,8, cùng lắm là đến 7 độ. Đây là mức độ trung bình.
Tuy nhiên TS Nguyễn Xuân Anh cho hay vẫn có kịch bản xảy ra sóng thần ở nước ta nếu xảy ra động đất tại Phillipines, quốc gia nằm trong vành đai lửa.
TS. Nguyễn Xuân Anh- Giám đốc trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất: Nếu ở vành đai lửa có những trận động đất mạnh ở Philipines có thể gây sóng thần ở Việt Nam. Còn ở những nước khác như Mianma, Vân Nam – Trung Quốc hay Nhật Bản, Indonesia thì động đất lan truyền đến Việt Nam đã giảm đáng kể. Vì vậy động đất ở Mianma chỉ có tác động rủi ro ở cấp 0 . Tuy nhiên vẫn có thể có những động đất ở khu vực Tây Bắc là các trận gần có thể tác động tới Việt Nam.
Nằm ngoài vành đai lửa, Việt Nam vẫn có thể có động đất
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh, những nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện các Khoa học Trái đất) cho thấy hai trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam ghi nhận được ở Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) năm 1983 và Điện Biên năm 1985 với cường độ lần lượt 6,8 và 6,7 độ, gây ra những rung động trên bề mặt đất ở vùng gần tâm chấn (cường độ chấn động trên bề mặt) cấp 8, cấp 9 theo thang MSK-64. Nếu xảy ra cấp độ này, các công trình xây dựng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mặc dù kháng chấn thì vẫn có thể bị thiệt hại và mức độ ảnh hưởng tương đối nặng.
Động đất Điện Biên năm 1985