18-01-2025 - Lượt xem: 62
Cộng đồng
HGTV – Sau nhiều nỗ lực, giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thoát vùng trũng. Thế nhưng đứng trước thách thức kép: vừa phấn đấu đổi mới để vươn cao cùng cả nước, vừa củng cố những yếu tố hạn chế, nên cần những giải pháp căn cơ và bền vững hơn. Trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD 2045), ngày 30/3/2023, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức tọa đàm với chủ đề: Nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững ĐBSCL. Tọa đàm được kết nối trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức Quốc tế, đại diện các Viện – Trường, doanh nghiệp, Hiệp hội vùng ĐBSCL.
Diễn đàn phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là hoạt động theo chủ trương của Chính phủ do Trường ĐHCT chủ trì. Nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế góp phần, đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành. Thúc đẩy hợp tác, xây dựng và phát triển các chương trình, dự án thiết thực góp phần tích cực vào quá trình hội nhập và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Tọa đàm được Trường ĐHCT tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng.
Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe 4 tham luận về nâng cao chất lượng giáo dục đồng bằng sông Cửu Long – những vấn đề cấp bách; ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang trong công cuộc đổi mới và phát triển; hội nhập quốc tế trong giáo dục; giáo dục vì sự phát triển bền vững. Trong khuôn khổ của tọa đàm, đại biểu còn trực tiếp thảo luận về những vướng mắc, đề xuất các các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long như: thực trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các trường vùng sâu; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực chuyên sâu; giải pháp để phát triển nguồn nhân lực…
GS.TS. Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐHCT (giữa) cho biết Trường ĐHCT đang triển khai đề án hỗ trợ phát triển các trường THPT vùng ĐBSCL với mục tiêu xây dựng mạng lưới liên kết, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐHCT khẳng định, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mọi thứ phát triển rất nhanh và lạc hậu cũng rất nhanh. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục để làm nền tảng và thúc đẩy sự phát triển bền vững là điều cần thiết, nhất là đối với khu vực ĐBSCL.
TS. Huỳnh Anh Huy – Trưởng Khoa Sư phạm, ĐHCT trình bày tham luận “Nâng cao chất lượng giáo dục ĐBSCL – Những vấn đề cấp bách”, trong đó có các hạn về giáo dục và nhân lực đang mắc phải.
Sau nhiều nỗ lực của ngành và sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của ĐBSCL tiệm cận với trung bình chung cả nước, một số chỉ số giáo dục đạt mức trung bình và trên trung bình cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điều đáng quan tâm và cần được cải thiện, nhất là tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo thấp nhất nước chỉ đạt 14,6%, trong khi tỉ lệ này ở khu vực đồng bằng Sông Hồng là gần 37%; tỉ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ đạt 6,8% – thấp nhất cả nước; quy mô giáo dục đại học chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Là một trong 13 tỉnh/ thành vùng ĐBSCL, Hậu Giang luôn có nhiều phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Có thể thấy rằng trong nhiều năm gần đây, công tác đổi mới sáng tạo trong giáo dục các cấp luôn được Hậu Giang đề cao và chú trọng.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang trình bày tham luận “Ngành giáo dục tỉnh Hậu giang trong công cuộc đổi mới và phát triển”
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng – Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, dù thành lập muộn nhưng tỉnh luôn có nhiều phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 263 trường từ mầm non, mẫu giáo đến trung học phổ thông, với gần 160.000 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên ngày càng được nâng chất, đến nay toàn tỉnh có khoảng 77% giáo viên đạt chuẩn, tăng hơn 20% so với thời điểm mới thành lập tỉnh. Tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án thúc đẩy phát triển giáo dục. Hậu Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2030 – 2045 nền giáo dục tỉnh được đổi mới căn bản và toàn diện. Chất lượng giáo dục được nâng cao và đạt khá trong khu vực.
Từ thực tiễn của ngành giáo dục và nhu cầu của xã hội, tọa đàm “Nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững ĐBSCL” là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp.
Với sự đa dạng về nội dung thảo luận, buổi tọa đàm mang đến những thông tin hữu ích về nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu sẽ là những cơ sở lí luận và thực tiễn vững chắc nhằm góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết, chính sách, chương trình hành động về phát triển ĐBSCL nói chung và phát triển giáo dục vùng ĐBSCL nói riêng. Thông tin thảo luận của các diễn giả và các giải pháp được đút kết từ tọa đàm được chúng tôi tiếp tục thông tin trong những bài viết kết tiếp./.