19-05-2025 - Lượt xem: 109
Chính sách mới
HGTV – Trong không khí thiêng liêng và hào hùng của dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Đây chính là kim chỉ nam trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đột phá về thể chế để đất nước vươn mình.
Trong nghị quyết 66-NQ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh, “xây dựng” và “thi hành” pháp luật là một chỉnh thể không tách rời và được đặt ở vai trò “đột phá của đột phá”. Thể chế đã được xác định là điểm nghẽn của điểm nghẽn, vì thế được chọn là ở vị trí đi trước mở đường cho phát triển. Nghị quyết 66 thẳng thắn chỉ ra vấn đề lớn nhất của hệ thống pháp luật hiện nay: “Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư”. Đây là thực tế đã được nhìn nhận từ lâu nhưng việc khắc phục còn chậm chễ.
Ý kiến đóng góp của các đại biểu
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu trong một phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chia sẻ: “Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, đôi khi còn có khoảng trống về pháp luật, chưa kịp đi theo nhịp thở của phát triển kinh tế xã hội rất nhanh. Công tác xây dựng pháp luật của chúng ta đang quá chú trọng vào quản lý, tư duy không quản đc thì cấm, như vậy cũng là rào cản rất là lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay”
Góp ý tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chiều 6/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh dự án Luật cần thể chế đủ tinh thần của các nghị quyết, chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh trong buổi góp ý tại phiên thảo luận tổ: “Dự thảo chưa có đột phá về ưu đãi thuế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đặc biệt là các Doanh nghiệp khởi nghiệp về Khoa học Công nghệ trong trường Đại học. Thì trong nghị quyết 68 đã rất rõ, thì Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của nghị quyết về kinh tế tư nhân.”
Không định hướng chung chung, nghị quyết 66 đã đặt ra các mục tiêu hết sức cấp bách, cụ thể. Đó là: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Như vậy, khi điểm nghẽn được khơi thông, thể chế sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Nguồn Thông tấn xã Việt Nam
Mời xem thêm:
Mở đợt cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại
Doanh nghiệp tư nhân được ưu đãi gì từ ngày hôm nay 17/5?