clock
Đang Tải...

OCOP hội nhập và phát triển

NHỮNG BÓNG HỒNG "NẶNG LÒNG" VỚI OCOP

08-03-2023
Lượt xem: 692

HGTV – Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023 với chủ đề “Đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ Hậu Giang” khép lại với những giải thưởng xứng đáng cho những bóng hồng nặng nợ với sản phẩm OCOP Hậu Giang. Bằng trí tuệ và tâm huyết mỗi một dự án, ý tưởng là sự lao động miệt mài của các chị trên hành trình hội nhập, phát triển. 

Giải nhất thuộc về Dự án mô hình nông nghiệp du lịch xanh đạt chuẩn OCOP của chị Trần Thị Tuyết Phượng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Chị Trần Thị Tuyết Phượng là giáo viên ở Trường Tiểu học Thị trấn Cái Tắc, 10 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen gieo vào lòng chị biết bao tình cảm thân thương về tình yêu quê hương đất nước. Trong những bài giảng của cô giáo trẻ luôn lúc nào cũng lồng ghép những cảnh đẹp, văn hóa, lịch sử… giúp các em học sinh hứng thú và hiểu hơn về quê hương mình. Xuất phát từ tình yêu sâu đậm với vùng đất miệt Ngàn, bởi vậy mà ý tưởng khởi nghiệp của chị được xây dựng trên cảnh đẹp, văn hóa, lịch sử và đời sống dân dã … thu hút khách du lịch. Bước đầu, mô hình được các chị em phụ nữ xã Thạnh Xuân thử nghiệm tại một số địa điểm đặc trưng ở xã như: Khám phá hai cây măng cụt trăm năm tuổi, tham quan mô hình nuôi ba ba, cua đinh gắn kết với tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích chiến thắng Tầm Vu. Các chị em phụ nữ tại xã trực tiếp là hướng dẫn viên và phục vụ cho các hoạt động nấu nướng… mà sản vật đãi khách được khai thác ngay trong vườn nhà do chính tay các chị vun trồng. Hơn một năm hoạt động mô hình nhận được đánh giá cao từ khách du lịch và chính quyền địa phương.

Chính những yếu tố cộng đồng và khai thác đúng giá trị tài nguyên bản địa, ý tưởng khởi nghiệp của chị Tuyết Phương được hội đồng Ban Giám khảo đánh giá cao và hướng tới sẽ tiếp tục nhân rộng.

Chị Trần Thị Tuyết Phượng chia sẻ: “Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đất miệt vườn Thạnh Xuân là rất lớn, chị mong muốn thông qua ý tưởng khởi nghiệp của mình sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của chị em phụ nữ. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh hơn.”

Giải nhì thuộc về Dự án sản xuất mít sấy ép chân không của chị Mai Thị Phượng Vĩ , Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. 

Chị Mai Thị Phượng Vĩ với dự án sản xuất mít sấy ép, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thời gian qua, chị đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng an tâm khi sử dụng sản phẩm. Mỗi tháng, cơ sở sử dụng gần 50 tấn nguyên liệu tươi để cho ra gần 5 tấn thành phẩm. Vì vậy, lượng phế phẩm tồn đọng khá lớn. Giải quyết bài toán này, chị liên kết với các hộ dân lân cận sử dụng làm thức ăn cho dê, bò, bảo vệ môi trường và tăng giá trị kinh tế.

Trong chuyến thăm và làm việc vào tháng 7, ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ cơ sở cải tiến công nghệ, phát triển nhãn hiệu, mở cửa hàng trưng bày sản phẩm và kết nối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tạo bước đệm để cơ sở có thể mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Chị Phượng Vĩ chia sẻ dự định:” Hướng tới sẽ tiếp tục nhân rộng, mời gọi thêm nhiều chị em phụ nữ tham gia để cùng nhau ổn định kinh tế.” Có thể thấy bằng nhiệt huyết và tinh thần khởi nghiệp, chị Phượng Vĩ làm giàu cho bản thân, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản quê nhà.

Mô hình sản xuất, kinh doanh hoa sáp của chị Bùi Thị Yến Nhi, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đạt giải ba.

Những chia sẻ xúc động về hành trình vượt khó nâng tầm giá trị hoa sáp của chị Bùi Thị Yến Nhi, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành mang đến nhiều động lực cho chị em. Sinh ra bị mắt bệnh xương thuỷ tinh nhưng đôi tay tạo nên những đoá hoa làm đẹp cho đời. Bốn năm qua hàng ngàn bông hoa sáp ra đời được nhiều người ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ và thân thiện môi trường. Mô hình lan toả tinh thần tương thân, tương ái, hiện chị Yến Nhi liên kết kinh doanh với hàng chục sinh viên và Hội viên phụ nữ tạo thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Chị Yến Nhi chia sẻ: ” Qua dự án hoa sáp, tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp: với những người khuyết tật, chúng tôi tuy yếu ớt về ngoại hình, nhưng tâm hồn và trí tuệ luôn tràn đầy nhiệt huyết. Những bông hoa sáp là sợi dây gắn kết cộng đồng.” Đó cũng chính là tinh thần của cuộc thi khởi nghiệp phụ nữ Hậu Giang năm 2023 – hướng đến một tương lai sáng tạo, đầy tiềm năng và phát triển bền vững cho phụ nữ.

Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi khởi nghiệp phụ nữ tỉnh  thu hút sự tham gia của nhiều chị em.

10 Dự án khởi nghiệp tranh tài tại vòng chung kết là những ý tưởng, sản phẩm, mô hình khởi nghiệp thiết thực, khai thác đúng giá trị, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương ở các lĩnh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch… Với sự linh động, sáng tạo các chị xây dựng nên sản phẩm hoàn toàn mới, nâng tầm giá trị, gắn kết cộng đồng qua ứng dụng khoa học, công nghệ, số hoá ở từng lĩnh vực. Điều này, cũng là cơ sở để các dự án, ý tưởng tiếp tục được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới, giúp các chị có cơ hội phát triển kinh tế cá nhân, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội./.

TIN LIÊN QUAN

Nông nghiệp bền vững

07-12-2024 - Lượt xem: 41

Chanh leo Việt Nam sẽ xuất khẩu vào Mỹ

An ninh trật tự

07-12-2024 - Lượt xem: 1013

Các tuyến đường Công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từ 1/1/2025

Tin tức Hậu Giang

05-12-2024 - Lượt xem: 142

Đề xuất nhiều chế độ, chính sách mới với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm

An ninh trật tự

04-12-2024 - Lượt xem: 231

Cảnh báo thủ đoạn giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hậu Giang

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới