25-04-2025 - Lượt xem: 24
Chính sách mới
HGTV – Ngày 01/7, Luật Căn cước có hiệu lực, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là trẻ em dưới 14 tuổi có thể làm thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Liên quan đến vấn đề này, nhiều khán giả xem Đài thắc mắc: khi trẻ dưới 14 tuổi làm thẻ căn cước gồm những lợi ích nào và tính cấp thiết của vấn đề có tác động đến đời sống; những quốc gia trên thế giới có cách thức làm Căn cước như thế nào?
Dùng thay thế hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh
Theo Điều 20 Luật căn cước năm 2023 quy định thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Điều 22 Luật căn cước năm 2023 nêu rõ, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Như vậy, nhờ việc tích hợp nhiều thông tin và giấy tờ lên thẻ Căn cước, cha mẹ khi thực hiện thủ tục hành chính cho con sẽ trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ khác nhau thì chỉ cần sử dụng một chiếc thẻ Căn cước duy nhất.
Lưu giữ được nhiều thông tin với độ bảo mật cao
Thẻ Căn cước của trẻ em có thể lưu trữ được nhiều thông tin về nhân thân như số định danh cá nhân, ngày sinh, quê quán… và các thông tin sinh trắc học như vân tay, ảnh khuôn mặt, mống mắt…
Thông tin lưu trữ trên thẻ Căn cước của trẻ em có độ bảo mật cao, chỉ có cá nhân, cơ quan có thẩm quyền mới được phép khai thác thông tin trên thẻ căn cước.
Ngoài ra, thẻ căn cước được thiết kế nhỏ gọn, chất liệu làm thẻ Căn cước nói chung đều có độ bền cao, vân nền trên thẻ Căn cước thiết kế bằng hình ảnh và họa tiết rất tinh xảo, khó có thể làm giả…
Xem thêm:
Các nước trên thế giới cấp thẻ căn cước cho trẻ như thế nào?
Chính sách cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em tại các quốc gia trên thế giới vô cùng đa dạng. Như ở một số nước: Đức, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Hà Lan… trẻ em dưới một độ tuổi nhất định việc làm thẻ căn cước không bắt buộc hoặc bắt buộc. Điều này cho thấy mỗi quốc gia có những cân nhắc riêng về an ninh, quản lý dân cư và quyền lợi của trẻ em.
Đức không bắt buộc trẻ em dưới 16 tuổi làm CCCD
Theo Bộ Tư pháp Đức, người Đức như định nghĩa trong điều 116 (1) Luật Cơ bản phải có Căn cước Công dân (CCCD) khi đủ 16 tuổi. Trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi cũng có thể làm CCCD nếu muốn, nhưng CCCD sẽ không có chức năng định danh điện tử (eID), là chức năng tích hợp các thông tin cá nhân để tiện giao dịch thương mại cũng như làm giấy tờ thủ tục.
Đối với trẻ dưới 16 tuổi thì người duy nhất có thể nộp đơn thay mặt những đối tượng này là người giám hộ sống cùng. Sau sinh nhật thứ 16 và trước sinh nhật thứ 18, người giám hộ phải nộp đơn xin cấp CCCD nếu trẻ không nộp đơn.
Thẻ CCCD của Đức có hiệu lực trong 10 năm khi cấp từ 24 tuổi trở lên và có hiệu lực 6 năm nếu được cấp trước 24 tuổi.
Singapore CCCD là giấy tờ bắt buộc
CCCD là giấy tờ bắt buộc mà công dân và thường trú nhân Singapore phải đăng ký khi đủ 15 tuổi, tức là trước sinh nhật lần thứ 16, theo Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA).
Ngoài việc đăng ký trực tuyến nói trên, việc đăng ký sinh trắc học là bắt buộc. Đối với công dân Singapore và thường trú nhân theo học tại các trường công lập hoặc trường do chính phủ hỗ trợ, việc đăng ký sinh trắc học sẽ được thực hiện tại các trường vào một ngày được chỉ định.
Đối với công dân Singapore và thường trú nhân, những người không theo học trường công lập hoặc trường do chính phủ hỗ trợ hoặc những người lỡ ngày đăng ký lấy sinh trắc học sẽ được nhắc đặt lịch hẹn sau khi hoàn thành đơn đăng ký trực tuyến để đăng ký sinh trắc học trực tiếp tại Tòa nhà ICA.
Trung Quốc đủ 16 tuổi và cư trú Trung Quốc phải xin cấp thẻ CCCD
Theo Quy định về CCCD của Trung Quốc (RIC), công dân Trung Quốc đủ 16 tuổi và cư trú Trung Quốc phải xin cấp thẻ CCCD.
CCCD có ba thời hạn khác nhau: 10 năm, 20 năm và không thời hạn. Người trong độ tuổi từ 16 đến 25 được cấp CCCD có giá trị 10 năm; người trong độ tuổi từ 26 đến 45 được cấp CCCD có giá trị 20 năm; trên 46 tuổi được cấp CCCD có giá trị không thời hạn.
Malaysia mọi trẻ em đủ 12 tuổi đều bắt buộc có thẻ Mykid
Ở Malaysia, theo Quy định 3, Quy chế Đăng ký Quốc gia 1990 (sửa đổi năm 2007), mọi trẻ em đủ 12 tuổi và là công dân Malaysia đều bắt buộc đăng ký để được cấp CCCD hay còn gọi là MyKad.
MyKid là CCCD hoặc thẻ định danh có gắn chip dành cho trẻ em dưới 12 tuổi và là giấy tờ hỗ trợ để làm giấy khai sinh. MyKid cũng giống như MyKad nhưng không có ảnh và vân tay.
Số định danh trên MyKid sẽ được sử dụng trong mọi vấn đề từ khi một người sinh ra cho đến khi qua đời.
Chip điện tử trên MyKid chip chứa 3 thông tin chính là thông tin khai sinh, sức khoẻ và giáo dục.
Lợi ích của việc sở hữu MyKid là giảm việc viết các mẫu đơn, giấy tờ trong tất cả các giao dịch với chính phủ hoặc các công ty tư nhân; được sử dụng trong khi giao dịch với các cơ quan chính phủ hoặc cơ quan như bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra y tế, giáo dục mầm non; thông tin điện tử dễ dàng thay đổi, cập nhật; tiện lợi, dễ mang theo.
Hà Lan – người từ đủ 14 tuổi trở lên bị phạt khi phát hiện không có giấy tờ tùy thân
Ở Hà Lan, nếu những người từ đủ 14 tuổi trở lên khi bị phát hiện không có giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt. Với người 14, 15 tuổi, mức phạt là 50 euro, người 16 tuổi trở lên là 100 euro.
Giấy tờ tùy thân là một trong số giấy tờ: hộ chiếu, CCCD, giấy phép cư trú, bằng lái xe, hoặc giấy tờ do chính quyền Hà Lan cấp như giấy thông hành, giấy di chuyển tị nạn.
Trẻ em từ đủ 12 tuổi có thể đăng ký cấp CCCD, nếu đã có bằng chứng nhận dạng hợp lệ, ví dụ như chứng minh được là người Hà Lan, có hộ chiếu. Trong trường hợp đó, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ không cần phải đi cùng.
Ngược lại, nếu trẻ không có giấy tờ tùy thân hợp lệ thì cha mẹ, người giám hộ phải đi cùng và chứng minh họ có quyền giám hộ hợp pháp với trẻ khi đăng ký cấp và nhận CCCD cùng. Trường hợp cha mẹ không ở cùng thì cần phải làm một số thủ tục, giấy tờ theo quy định./.
Xem thêm