28-04-2025 - Lượt xem: 10
Thời sự
(HGTV) Nhằm làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, từ 26/10 đến hết ngày 20/12 năm nay, Hậu Giang rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.
Đối tượng là hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát, hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy ước về hộ gia đình và thành viên hộ gia đình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Việc rà soát thực hiện từ ấp, khu vực, trực tiếp đến từng hộ gia đình thu thập thông tin. Tổ chức lực lượng rà soát viên có hiểu biết tình hình dân cư tại địa bàn, có tham gia tập huấn nghiệp vụ và trực tiếp phỏng vấn, thực hiện các phiếu rà soát theo quy định.
Quá trình xét dựa trên 2 tiêu chí đo lường là thu nhập và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Đối với chuẩn hộ nghèo:
+ Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
+ Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Đối với chuẩn hộ cận nghèo:
+ Khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
+ Khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.