07-05-2025 - Lượt xem: 6
Nông dân hiện đại
HGTV – Sáng ngày 13/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi tham quan mô hình trồng lúa thông minh và trình diễn cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, thu gom rơm và làm đất sau thu hoạch.
Dự có ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia. Lãnh đạo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cùng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia mô hình và hơn 200 nông dân.
Nông dân tham quan mô hình trồng lúa thông minh và trình diễn cơ giới hóa
Mô hình trồng lúa thông minh ở tỉnh Hậu Giang thực hiện từ đầu tháng 12 năm rồi tới nay trên diện tích 8 hecta tại ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy. Lúa sạ cụm bằng máy với số lượng 60 kg giống/1 hecta. Áp dụng quy trình canh tác “Bội thu cây lúa”, bón phân thông minh, nước tưới ngập khô xen kẻ cho cả vụ.
Qua thu hoạch, năng suất lúa đạt khoảng 11 tấn/ hecta. Đặc biệt, mô hình có chi phí khoảng 19 triệu đồng/ hecta, thấp hơn 3 triệu đồng so với canh tác truyền thống. Đây là 1 trong 8 mô hình trồng lúa thông minh được thực hiện tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nhằm chuyển giao hướng canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tới năm 2030.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng được 2 tiêu chí: thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ và không ngừng cập nhật giải kỹ thuật pháp mới để nâng cao hiệu quả, không cố định một phương pháp canh tác.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền chia sẻ mô hình này giảm lượng phát thải khí nhà kính rất lớn và theo thông tin chúng tôi mới nhận được qua khảo nghiệm thực tế tại Viện lúa ĐBSCL thì giảm được 25% lượng khí nhà kính phát thải.
Buổi tổng kết kết hợp trình diễn các thiết bị cơ giới hiện đại như: Máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ; Máy bón phân kết hợp cày vùi để tăng độ pH, rút ngắn thời gian hoai mục rơm rạ, Máy cuộn rơm và lấy rơm ra khỏi ruộng nhằm giải bài toán xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Những thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng canh tác tiến bộ được nhiều nông dân đón nhận nhằm thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ngoài tham quan mô hình, các đại biểu còn được xem máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ
Trình diễn máy cày vùi để tăng pH và xử lý rơm rạ.
Máy cuộn rơm sau thu hoạch.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được nhiều nông dân ủng hộ, ông Nguyễn Văn Sự ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ chia sẻ, trước đây thu hoạch nguồn rơm không có cách thu gom bắt buộc nhiều hộ phải đốt bỏ, giờ đây có những chiếc máy có thể vùi và phân hủy rơm rạ mang tới giải pháp rất hiệu quả cho nông dân.
Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Công nghệ này sẽ đưa rơm rạ vào đất do đó hạn chế khâu đốt đồng, ngoài ra kết hợp với các công nghệ vi sinh, rơm rạ sẽ phân hủy sớm, hạn chế phát thải nhà kính.
Thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, mô hình trồng lúa thông minh vụ Đông Xuân này giúp nông dân đạt lợi nhuận khoảng 65 triệu đồng/ hecta.
Đặc biệt, ứng dụng đồng bộ cơ giới từ khâu gieo sạ tới thu hoạch cùng quy trình canh tác lúa tiến bộ giúp giảm lượng lúa giống, giảm nước tưới, giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo./.