16-12-2024 - Lượt xem: 29
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Hậu Giang 2023
HGTV – Năm 2012 tỉnh Hậu Giang thí điểm 500 hecta sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A và xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Trong đó, huyện Vị Thủy là nơi đạt kết quả tốt nhất, các doanh nghiệp bao tiêu gần hết diện tích mô hình. Đây là tiền đề để huyện phát triển vùng lúa chất lượng cao, đóng góp cho xuất khẩu gạo của tỉnh hiện nay.
Năm 2008 tại huyện Vị Thủy, sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa chưa đồng bộ, năng suất lúa chỉ đạt 4,5 tấn một hecta.
Nông dân còn sử dụng sức kéo của trâu để cày ruộng
Các hoạt động sản xuất lúa đều thủ công, nhỏ lẻ
Năm 2012, xã Vị Thanh được chọn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn hơn 127 hecta.
Ông Nguyễn Văn Út là Chủ nhiệm Cánh đồng lớn đầu tiên của xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy
Tham gia cánh đồng lớn, nông dân xuống giống cùng thời điểm, cùng loại giống và hợp tác với doanh nghiệp. Trong vụ đầu tiên giá thành sản xuất giảm 20%, lợi nhuận tăng hơn 21%.
Ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, cơ giới hoá, khép kín thuỷ lợi hơn 90% diện tích đất nông nghiệp của huyện Vị Thuỷ. Đến năm 2015 cánh đồng lớn phát triển hơn 1.000 hecta.
Từ nền tảng này, hiện nay Vị Thuỷ phát triển vùng lúa chất lượng cao với hơn 11 ngàn hecta trong tổng số gần 20 ngàn hecta lúa của huyện. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng lúa.
Ứng dụng máy bay phun thuốc đem lại nhiều lợi ích cho người dân
Vụ Đông Xuân vừa qua, 2 máy bay phun thuốc của Hợp tác xã Kiến Thành, xã Vị Bình thực hiện dịch vụ phun thuốc trung bình gần 1.000 hecta. Máy giúp giảm từ 10-15% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với cách làm truyền thống, giảm nhân công lao động và hướng đến truy xuất nguồn gốc.
Ông Phan Vĩnh Châu – Phó Giám đốc HTX Kiến Thành, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Trước đây xịt một bình máy như vậy là một công tầm lớn 25 lít nước, bây giờ một bình thuốc thì 20 lít nước là bay được 1 hecta. Bà con giảm được cái chi phí, giảm tiền mua thuốc, chi phí phun xịt, thuốc được phun đều”
Hiện nay, tỷ lệ diện tích sử dụng giống xác nhận của huyện chiếm 90%, các nhóm giống chất lượng cao, lúa thơm đạt hơn 95%.
Trên nền tảng này, huyện có sản phẩm OCOP 4 sao từ gạo là Gạo sạch Vị Thủy. Túi gạo này có giá cao hơn gạo thường 3 lần.
Sản phẩm gạo sạch Vị Thủy của HTX Tân Long
Ông Nguyễn Văn Thích – Phó Giám đốc HTX Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi phải đưa sàn giao dịch lên thị trường, các sản phẩm phải có mặt trên thị trường, phải biết đây là gạo của Vị Thủy, trước giờ người tiêu dùng biết sản phẩm qua quà tặng, sàn thương mại điện tử, xúc tiến thương mại. HTX có chiến lược xây dựng chuỗi cửa hàng từ Hậu Giang đến TP.HCM”
“Đẩy mạnh thành lập các HTX trong nông nghiệp nói chung bao gồm các dịch vụ sản xuất nông nghiệp , bao gồm các HTX về bơm tưới, phân bón, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thành lập các HTX” – Ông Nguyễn Công Duy – Chủ tịch UBND huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang cho biết.
Gần 25 năm thành lập, 19 năm liên tiếp huyện Vị Thuỷ có sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn mỗi năm, góp phần giữ vững tiêu chí sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 1 triệu tấn một năm. Từ nền tảng của cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp huyện sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thương hiệu gạo Vị Thủy./.
Thực hiện: Hoài Nhân
Xem thêm: