29-04-2025 - Lượt xem: 39
Thời sự
(HGTV) Những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…và mới đây có thêm khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng đua nhau thông báo ngừng bán hoặc treo biển tạm nghỉ, khiến việc cung ứng xăng dầu trên bị gián đoạn, người dân gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Công ty CP Thương mại và dịch vụ Cần Giờ (Cagico) cho biết do lo ngại sẽ thiếu nguồn cung đáp ứng cho hơn 50 cây xăng và đại lý nên phía doanh nghiệp này đã có văn bản thông báo trước, đề phòng trường hợp cây xăng bị xử phạt. Theo vị này, thương nhân phân phối không được nhập khẩu xăng dầu cũng như mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu nội địa mà phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối. Do đó, nếu các doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng, thương nhân phân phối sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thống. Thậm chí, để có được hàng, doanh nghiệp còn về tận kho đầu mối tại Vũng Tàu để nhập hàng với mức hoa hồng 10 đồng/lít xăng trong khi chi phí vận chuyển lên đến 500 đồng/lít.
Một lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở TP.HCM cho biết trong ngày 6-10, nhiều doanh nghiệp đầu mối đều đưa ra mức chiết khấu 0 đồng/lít khiến doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng, do phải gánh chi phí vận chuyển, bán hàng, thuê mặt bằng… .
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm rồi đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.