03-04-2025 - Lượt xem: 29
50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử
HGTV – Trị Thiên – Huế có địa hình dài và hẹp, phía tây là vùng rừng núi cao, phía đông là biển. Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch đi về phía nam, qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Với vị trí tiếp giáp sông Bến Hải – giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam Bắc, Trị – Thiên là chiến trường có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự đối với cả ta và địch. Từ sau cuộc tiến công chiến lược của ta năm 1972, địch tập trung phòng thủ ở Trị – Thiên, xây dựng Quân khu 1 thành một trong những trung tâm quân sự mạnh nhất miền Nam Việt Nam.
Ngày 05/3/1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 mở chiến dịch Trị Thiên – Huế nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 – Quân khu 1 quân đội Sài Gòn tạo nên đòn tiến công quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Tập 3 CHIẾN DỊCH TRỊ THIÊN – HUẾ
Quân giải phóng Trị Thiên tiến vào chiến trường mở đầu chiến dịch. Ảnh tư liệu: TTXVN
Cùng lúc với chiến dịch Tây Nguyên, ta mở chiến dịch Trị Thiên – Huế.
Chiến dịch diễn ra 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5 đến 20/3/1975, quân ta tấn công địch ở vùng đồng bằng và vùng giáp ranh Trị – Thiên; Đợt 2 từ ngày 21 đến 26/3/1975, quân ta dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên – Huế và chặn đứng đường rút chạy của địch.
Từ ngày 5 đến ngày 7/3, ta tiến hành nghi binh ở bắc Quảng Trị đồng thời sử dụng lực lượng địa phương đánh nhỏ trên các trục giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh Quảng Trị – Thừa Thiên, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền.
Ngày 8/3, Sư đoàn 324 nổ súng tiến công ven đường 14. Lo sợ nếu ta chiếm được khu vực này sẽ uy hiếp vùng đồng bằng nam Huế và dễ dàng cắt đứt đường 1, quân địch điều 2 trung đoàn Bộ binh 1, 2 chi đoàn thiết giáp và nhiều tiểu đoàn khác tổ chức phản kích nhằm chiếm lại các vị trí đã mất.
Quân giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế), sáng 26/3/1975. (Ảnh Tư liệu TTXVN).
Tận dụng thời cơ này, lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công tiêu diệt các phân chi khu của địch. Mặt khác, phát động nhân dân nổi dậy làm tan rã hệ thống ngụy quyền ở nhiều nơi. Trong 3 ngày từ 13 đến 15/3, ở khu vực đường 12, Trung đoàn 6 của quân ta tiêu diệt các cứ điểm và điểm cao uy hiếp Huế.
Đêm 18 rạng sáng 19/3/1975 Tiểu đoàn 14 và Đại đội Lê Hồng Phong đánh thẳng vào Thành Cổ Quảng Trị.
Cùng lúc đó, ở phía tây Hải Lăng, các đơn vị khác cũng phối hợp tiến công, buộc địch rút chạy về lập tuyến phòng ngự mới ở nam sông Mỹ Chánh.
Khoảng 18 giờ 30 phút Ngày 19/3/1975, toàn tỉnh Quảng Trị giải phóng – tuyến phòng thủ địa đầu phía Bắc của địch hoàn toàn sụp đổ, quân ta kết thúc đợt 1 chiến dịch Trị Thiên – Huế.
Trên đà thắng lợi, quân ta tranh thủ thời cơ tiến công đợt 2, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên – Huế.
Ngày 20/3/1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh Quân đoàn 1 của địch ở Đà Nẵng bay ra Huế để trấn an binh lính.
Rạng sáng hôm sau, các lực lượng của Quân đoàn 2 đồng loạt nổ súng ở các hướng để bao vây địch.
Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, ngày 21/3, Ngô Quang Trưởng vẫn hùng hồn tuyên bố trên Đài Phát thanh Huế: “Quyết tử thủ ở Huế”, “Sẽ chết trên đường phố Huế”.
Tối hôm đó, Nguyễn Văn Thiệu cũng lớn tiếng: “Bỏ Kon Tum và Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Huế – Đà Nẵng và các quân khu 3, 4 sẽ phải giữ đến cùng”.
Tình hình cho thấy dù rất hoang mang, khiếp sợ nhưng địch có ý định “tử thủ” ở Huế. Biết được ý đồ này, thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị – Thiên quyết định tranh thủ thời cơ tập trung toàn lực giải phóng Thừa Thiên – Huế, không cho địch co cụm lại trong thành phố Huế.
Ngày 22-3-1975, địch huy động lực lượng phản kích nhằm giải tỏa đường số 1 song bị ta đẩy lùi. Tối cùng ngày, Ngô Quang Trưởng ra lệnh rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh ra khỏi thành phố Huế theo đường biển chạy về Đà Nẵng. Ta kịp thời chặn đánh, khống chế cửa Thuận An, Tư Hiền.
Sáng ngày 23-3-1975, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 18 tiến công đèo Phú Gia và Lăng Cô.
2 ngày sau đó, quân ta bao vây và bắt đầu tiến vào thành phố Huế. Tự vệ thành và quần chúng cùng nổi dậy phối hợp với bộ đội chủ lực.
10 giờ 30 phút Ngày 26/3/1975, thành phố Huế được giải phóng hoàn toàn, quân ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Trị Thiên – Huế.
Từ một chiến dịch ở một hướng phối hợp, khi thời cơ đến, quân và dân Trị Thiên – Huế cùng Quân đoàn 2 anh dũng, táo bạo tiến công, nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế. Điện khen quân dân Trị – Thiên – Huế và Quân đoàn 2 của Quân ủy Trung ương viết: “Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước”.
Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên – Huế đã đặt căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 – Quân khu 1 của địch đang co cụm trên đất Quảng Đà rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn về đường bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5 mở chiến dịch Đà Nẵng từ ngày 26/3 đến ngày 29/3/1975, tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Quảng Đà, không cho chúng có điều kiện củng cố lực lượng và bố trí thế chiến lược mới. Nhằm tiêu diệt lực lượng thuộc Quân đoàn 1 – Quân khu 1 quân đội Sài Gòn co cụm phòng thủ tại Đà Nẵng, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Còn tiếp…
Xem tập 1: 50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại đây
Xem tập 2: Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng tại đây