24-04-2025 - Lượt xem: 115
Du lịch
HGTV – Về Hậu Giang ăn gì? Câu hỏi tưởng chừng quen thuộc nhưng luôn gợi mở bao điều thú vị. Giữa miền đất hiền hòa của sông nước và phù sa, có một món ăn vừa mộc mạc, vừa đậm đà bản sắc khiến du khách nhớ mãi – đó là cá lóc nướng trui. Không chỉ là đặc sản trứ danh của vùng quê Hậu Giang, món ăn này còn được vinh danh trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Trong bối cảnh các địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, cá lóc nướng trui chính là lời mời thân tình gửi đến du khách gần xa , hãy một lần về miền Tây, về với Hậu Giang, thưởng thức món ngon “nướng cá bằng rơm, thấm đượm tình người”.
Hương vị bắt nguồn từ khói rơm và tình người
Cá lóc nướng trui là món ăn quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang. Bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng nằm ở phương pháp chế biến giản dị mà độc đáo: những con cá lóc tươi rói, còn nguyên vẹn, được xiên qua thanh tre rồi vùi sâu trong lớp rơm khô, chờ ngọn lửa hồng lan tỏa.
Người dân miền Tây chuẩn bị rơm để nướng cá lóc trui, một công đoạn quan trọng giúp món ăn giữ được hương thơm đặc trưng.
Cá được dựng đứng trên bãi đất khô, phủ rơm lên trước khi châm lửa, hình ảnh thân quen của người dân miệt vườn Nam Bộ.
Rơm cháy rực dưới lớp tro đen, khung cảnh quen thuộc trong mỗi lần làm món cá lóc nướng trui giữa đồng.
Cá được vùi trong tro rơm cháy đỏ rực, một kỹ thuật nướng truyền thống giúp cá chín đều từ trong ra ngoài.
Khi rơm cháy hết, lớp da cá bên ngoài sém vàng, tỏa ra mùi thơm quyến rũ khó cưỡng. Cạo bỏ lớp vảy cháy, hiện ra phần thịt trắng ngần, mềm ngọt, giữ trọn vẹn vị ngọt tự nhiên của cá đồng.
Cá lóc sau khi nướng cháy xém được đặt lên lá chuối, chuẩn bị cạo lớp vảy đen để lộ phần thịt trắng ngần, thơm lừng bên trong.
Thưởng thức cá lóc nướng trui đúng điệu không thể thiếu bánh tráng mỏng, bún tươi, cùng các loại rau sống tươi mát như khế chua thanh, chuối chát dịu, rau thơm nồng nàn… Tất cả hòa quyện cùng vị đậm đà của mắm me chua ngọt hoặc chút cay nồng của muối ớt, tạo nên một bản giao hưởng hương vị đồng quê mộc mạc mà cuốn hút đến lạ kỳ, khiến thực khách nhớ mãi dư vị.
Món cá lóc nướng trui sau khi nướng bằng rơm, được bày biện hấp dẫn.
Vì sao cá lóc nướng trui mang đậm văn hóa miệt vườn?
Khác với những món ăn cầu kỳ, cá lóc nướng trui mang đậm hơi thở của cuộc sống miệt vườn. Từ con cá lóc vừa bắt dưới ruộng, đến cọng rơm khô ươm nắng, chiếc que tre vội vã cắt bên bờ mương… tất cả đều giản dị, gần gũi. Trong những dịp sum họp gia đình, những buổi làm đồng vất vả, hay những khi đón tiếp khách quý, người dân Hậu Giang lại quây quần bên bếp rơm, cùng nhau thưởng thức món ăn này như một sợi dây kết nối cộng đồng.
Không gian thưởng thức cũng mang đậm dấu ấn riêng: chẳng phải nhà hàng sang trọng, mà là chiếc chiếu trải giữa cánh đồng lộng gió, bên cạnh những đống rơm vàng, rộn rã tiếng cười nói của xóm giềng. Chính sự chân chất, phóng khoáng ấy đã tạo nên giá trị văn hóa sâu sắc cho món ăn, thể hiện trọn vẹn tinh thần hào sảng của người miền Tây.
Vinh danh 100 món ăn ngon Việt Nam – xứng đáng và tự hào
Theo tiêu chí bình chọn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, một món ăn được vinh danh phải đảm bảo các yếu tố:
Hiện nay, nhiều khu du lịch sinh thái nổi tiếng tại Hậu Giang như Mùa Xuân, Vườn tre Tư Sang, hay làng du lịch cộng đồng Mương Đình đã đưa cá lóc nướng trui vào thực đơn phục vụ du khách, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất này. Đến Hậu Giang, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản này để cảm nhận trọn vẹn hương vị quê hương và tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây.
Thực hiện: Thu Thảo
Xem thêm:
Củ khóm khóm món quà đất Hậu Giang
Chuyện người Vị Thủy chung thủy cùng dây trầu…
Về An Giang thưởng thức gà nướng ống tre